Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Đây là hình thức đầu tư mà có thể huy động được nguồn vốn của cả khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc phát huy tối đa nguồn lực này lại chưa thực sự đạt được hiệu quả tối đa, nhất là trong những năm gần đây, vốn tài trợ ODA ngày càng thu hẹp, nhiều dự án hợp tác đầu tư theo hợp đồng PPP có hiệu quả chưa cao, mặt khác còn tồn tại nhiều hạn chế.

Căn cứ vào đó, nghị định 6/2018/ND-CP ngày 4/5/2018 Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được ban hành, có hiệu lực vào ngày 19/6/2018 thay thế nghị định 15/2015/NĐ-CP. Nghị định này được đánh dấu như là một nền tảng quy định chi tiết, cụ thể và riêng biệt cho loại hình đầu tư này. Các mô hình PPP được đề cập tới trong nghị định bao gồm: Hợp đồng dự án; Hợp đồng xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao công nghệ ( BOT); Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh ( BTO); Hợp đồng xây dựng – Chuyển giao ( BT); Hợp đồng xây dựng-Sở hữu-Kinh doanh ( BOO); Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ ( BTL); Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao; Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M) và Hợp đồng hỗn hợp.

Nghị đinh 63/2018/NĐ-CP đã tạo ra một cơ chế thanh toán mở cho nhà đầu tư trong hợp đồng xây dựng-Chuyển giao. Theo đó, các NĐT thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT được nhà nước thanh toán bằng quỹ đất (sử dụng giá trị quyền sử dụng đất) hoặc bằng các phương thức thanh toán khác như thanh toán bằng trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Thanh toán bằng nhượng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ theo pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh mở rộng phương thức thanh toán, NĐT dự án theo hợp đồng BT không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và ký quỹ theo pháp luật để thực hiện Dự án khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu nếu có theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện dự án khác.

Về vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư, Nghị định đã quy định một cách chặt chẽ hơn so với trước đây nhằm quá trình thực hiện dự án được đảm bảo ổn định. Theo đó, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; Dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, được xác định theo nguyên tắc: phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.