Ngày nay, tài sản trí tuệ ngày càng được coi trọng và được bảo vệ trên phạm vi toàn cầu. Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình nhưng tạo ra giá trị thương mại không hề nhỏ đối với chủ sở hữu, do đó các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cũng xảy ra ngày càng nhiều hơn. Việc thiếu hiểu biết về các quy định của sở hữu trí tuệ trong một số trường hợp có thể dẫn đến việc xâm phạm các quyền được pháp luật bảo vệ.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thành công của doanh nghiệp. Và việc toàn cầu hóa cùng với đó là sự xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu là yếu tố sống còn của chính doanh nghiệp. Do đó bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không mong muốn việc công sức gây dựng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp bị một chủ thể khác lợi dụng cho các sản phẩm, hàng hóa không phải của mình.
Cần phải thấy rõ những giá trị mà việc bảo hộ sở hữu trí tuệ mang lại. Vậy điều gì đã khiến giá bán của một thiết bị điện tử được đẩy lên cao trong khi vẫn có hàng triệu người sẵn sàng chi trả. Đó là do uy tín, chất lượng của sản phẩm tạo nên giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp. Thuật ngữ “thương hiệu” là thuật ngữ trong ngành kinh tế, trong các văn bản pháp lý, nó được biết đến là “nhãn hiệu”, đây chính là một trong những tài sản vô cùng có giá trị trong thời đại ngày nay. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình này ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Từ những giá trị mà tài sản trí tuệ có thể mang lại, việc xâm phạm sở hữu trí tuệ thường hay xảy ra, việc giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý,… nhằm trục lợi từ những sản phảm tương tự hoặc thậm chí có chất lượng kém hơn. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của chính chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ. Vì vậy, song hành với các sáng chế, sáng tạo thì doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức trong vấn đề đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ và đó cũng chính là xác lập quyền sở hữu tài sản vô hình của doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp cần phải có cơ chế bảo vệ tài sản trí tuệ do doanh nghiệp mình gây dựng nên thông qua việc đăng ký bảo hộ, khác với các tài sản hữu hình khác, trí tuệ là tài sản vô hình không thể nhận định, đánh giá bằng cách thông thường, nếu không thực hiện đăng ký bảo hộ ngay từ đầu, dễ dàng dẫn đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với chủ sở hữu, để đáp ứng nhu cầu xã hội, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam dần hoàn thiện, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục, góp phần bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu sản phẩm sở hữu trí tuệ, đồng thời việc Việt Nam tham gia ký kết các điều ước quốc tế đã giúp cho sản phẩm được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam không những được bảo hộ trong nước mà còn được bảo hộ trong hệ thống những quốc gia là thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.