Một số thay đổi quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng phát triển thương mại điện tử. Đến nay, các loại hình kinh doanh thương mại điện tử mới nhất trên thế giới đều đã xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ trong nước hoặc xuyên biên giới qua thương mại điện tử hàng năm thu được một nguồn lợi khá lớn từ thị trường Việt Nam, thì cơ quan thuế vẫn rất khó khăn trong việc tìm ra giải pháp để buộc các tổ chức, cá nhân này đóng thuế theo quy định của pháp luật.

Với tốc độ phát triển internet như hiện nay, hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng gia tăng, kéo theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử cũng sẽ ngày càng phát triển đa đạng và phức tạp. Giao dịch thương mại điện tử có những đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, tính rộng lớn, tính quốc tế, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi thông tin nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Hơn nữa, hoạt động thương mại điện tử được thực hiện qua các phương tiện công nghệ thông tin như: điện thoại di động, máy tính, có thể phát sinh mọi lúc, mọi nơi, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống có địa điểm đăng ký cố định. Ngoài ra, thông tin của người mua và người bán thường không hiển thị cụ thể, quy mô hoạt động kinh doanh, doanh thu,… cơ quan thuế muốn tìm kiếm cũng rất khó khăn.

Bước đầu đưa vào quản lý, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử (Sau đây gọi là “Thông tư số 47”) và Thông tư số 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động (Sau đây gọi là “Thông tư số 59”). Gần đây, hai thông tư này đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 21/2018/TT-BCT có hiệu lực từ 18/10/2018 (Sau đây gọi là “Thông tư số 18”). Sửa đối đáng chú ý nhất là việc mở rộng đối tượng thông báo và đăng ký, cụ thể:

– Thông tư 21 đã bãi bỏ điều khoản liệt kê các đối tượng phải thông báo website thương mại điện tử bán hàng được quy định tại Điều 9 của Thông tư số 47, nhưng vẫn giữ nguyên hiệu lực của các quy định về quy trình thông báo. Do đó, nghĩa vụ thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công thương sẽ không giới hạn chỉ ba đối tượng như quy định cũ, mà thay vào đó, tất cả thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng đều phải thực hiện thủ tục thông báo này. Bên cạnh đó, tất cả các thương nhân hoặc tổ chức chỉ cần có website thương mại điện tử mà trên đó cung cấp ít nhất một trong ba dịch vụ: sàn giao dịch thương mại điện tử; khuyến mại trực tuyến; và đấu giá trực tuyến thì phải thực hiện hoạt động đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, cho dù có hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hay hỗ trợ doanh nghiệp hay không.

– Thông tư 21 sửa đổi Thông tư 59 quy định đối tượng thông báo là chủ sở hữu ứng dụng bán hàng, bao gồm: thương nhân; tổ chức (bất kể tổ chức này chức năng nhiệm vụ tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay hoạt động thương mại điện tử hay không); và cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân (bất kể cá nhân này có thuộc diện phải đăng ký kinh doanh hay không). Ngoài ra, thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng di động bất kể có hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp hay không đều phải thực hiện thủ tục đăng ký ứng dụng di động của mình.

Việc mua bán qua thương mại điện tử đang nổi lên thành một xu hướng vì nó đem lại lợi ích cho cả người mua và người bán. Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn sẽ được pháp luật đưa vào điều chỉnh. Do đó, khi tham gia vào một quan hệ nhất định, các cá nhân, doanh nghiệp cần phải nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật để có được hướng xử lý tốt nhất.