Một số quy định sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lao động

Ngày 24/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2018). Những điểm đáng chú ý của Nghị định này là vấn đề liên quan đến thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động, thay đổi thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao đông cao tuổi…

Thứ nhất, theo quy định về hợp đồng lao động đối với người lao động cao tuổi. Nếu như Nghị định 05 quy định khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, như vậy có thể hiểu quyền chấm dứt hợp đồng lao động ở đây thường xuất phát từ một phía, khi phát sinh một trong hai điều kiện này thì sẽ ngay lập tức chấm dứt hợp đồng lao động bất kể ý chí các bên như thế nào. Nghị định 148 đã sửa đổi theo hướng không còn quy định cứng nhắc buộc hai bên phải chấm dứt hợp đồng lao động, mà hai bên có thể thỏa thuận về việc liệu rằng chấm dứt hợp động hay không.

Thứ hai, về nghĩa vụ thanh toán quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Nghị định mới không còn quy định trách nhiệm chỉ từ một phía người sử dụng lao động (phải chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc trong thời hạn quy định), mà yêu cầu cả hai bên phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên trong thời hạn 07 ngày và các trường hợp đặc biệt được phép thanh toán trong thời hạn 30 ngày. Bổ sung thêm trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được phép kéo dài thời hạn thanh toán đến 30 ngày.

Thứ ba, Nghị định cũng bổ sung quy định tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo đó, tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật khi vi phạm thời hạn báo trước là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Thứ tư, Nghị định nêu rõ, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Điểm nổi bật là thời gian thử việc, học nghề, tập nghề không được tính trong tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động khi tính trợ cấp.

Thứ năm, quy định về trình tự xử lý kỷ luật cũng được sửa đổi theo hướng ngắn gọn và xử lý dễ dàng hơn. Theo quy định cũ, cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự có liên quan, phải sau 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động mới có thể tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động. Như vậy, để xử lý kỷ luật một cá nhân có hành vi vi phạm, thực tế quy trình có thể bị kéo dài rất lâu, làm ảnh hưởng đến thời gian, công sức của những người tham gia xử lý kỷ luật khi người lao động cố tình trốn tránh. Do vậy, hiện nay Nghị định mới đã sửa đổi trình tự theo hướng: Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự và đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp; khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự phải xác nhận tham dự cuộc họp; trường hợp một trong các thành phần được thông báo không xác nhận tham dự cuộc họp, hoặc nêu lý do không chính đáng, hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động. Quy trình này rõ ràng đã tạo điều kiện cho người sử dụng lao động xử lý kỷ luật một cách ngắn gọn và tiết kiệm công sức hơn.