Trong những năm qua, các vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính luôn có xu hướng tăng mạnh với tính chất ngày càng phức tạp. Khác với các nước phương Tây, ở Việt Nam giải quyết tranh chấp tại Tòa án là biện pháp được sử dụng phổ biến, các hình thức như thương lượng, hòa giải mặc dù có những ưu điểm nhất định nhưng ít được sử dụng. Thực tiễn hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy, quy định pháp luật về hòa giải, đối thoại đã được xây dựng tương đối căn bản trong quá trình cải cách tư pháp; trong đó, có nhiều quy định nhằm khuyến khích tăng cường hòa giải, đối thoại. Và gần đây, Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được công khai lấy ý kiến từ ngày 01/10/2018.
Để thực hiện hoạt động hòa giải, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát trực tiếp của Tòa án nơi đặt Trung tâm. Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc, Hòa giải viên, Đối thoại viên. Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm được bổ nhiệm theo một trong hai hình thức:
(1) Chánh án Tòa án nơi đặt Trung tâm phân công Thẩm phán theo chế độ luân phiên;
(2) Các Hòa giải viên, Đối thoại viên bầu trong số các Hòa giải viên, Đối thoại viên của Trung tâm.
Nguồn nhân lực được huy động để bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên được lựa chọn từ các đối tượng:
(1) Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên và những người giữ chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu;
(2) Cán bộ trung cấp, cao cấp nghỉ hưu;
(3) Chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác;
(4) Những người có uy tín cao trong xã hội khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:
– Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, trung thực, khách quan;
– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
– Có kinh nghiệm và khả năng hòa giải, đối thoại;
– Tự nguyện thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, công việc của Tòa án quá tải thì việc huy động nguồn nhân lực không thuộc biên chế Nhà nước nhưng đáp ứng những yêu cầu nhất định để tham gia công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những yêu cầu cần thiết tạo nên thành công của chế định này.
Phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính hoặc các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính do một hoặc các bên yêu cầu Tòa án hòa giải, đối thoại. Khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 Luật Tố tụng hành chính, Tòa án chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án khi có đủ các điều kiện: (1) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; (2) Người khởi kiện, người yêu cầu không phản đối việc hoà giải, đối thoại trước khi Tòa án xem xét thụ lý theo trình tự tố tụng; (3) Vụ việc không thuộc trường hợp không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có hai hình thức hòa giải là hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng. Hoạt động hòa giải, đối thoại theo pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hành chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải, đối thoại. Do đó, hòa giải theo Luật này thuộc hình thức hòa giải tiền tố tụng không bắt buộc.
Sau khi tiến hành hòa giải, đối thoại, các bên có thể yêu cầu Tòa án công nhận hòa giải thành, đối thoại thoại thành. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nội dung này cũng được ghi nhận trong Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy, thực hiện hiệu quả cơ chế hòa giải, đối thoại có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, cụ thể là góp phần tăng cường sự đồng thuận trong xã hội; giảm tải số lượng các vụ, việc phải đưa ra xét xử, khắc phục tình trạng quá tải án, tạo điều kiện để tòa án tập trung các nguồn lực nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử. Qua triển khai thí điểm đề án, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng đã nhận được hơn 2.500 đơn khởi kiện và đưa ra hòa giải, đối thoại gần 2.400 đơn. Trong đó, có hơn 1.800 đơn đã được hòa giải, đối thoại thành công, đạt tỷ lệ 76,2%. Dự kiến, thời gian tới, ngoài Hải Phòng, đề án sẽ tiếp tục được mở rộng thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Long An. Kết quả và kinh nghiệm của đề án sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng Dự án Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.