Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, bao gồm 11 nước thành viên sáng lập gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam, ký kết hồi tháng 03/2018 tại Chile. Ngày 22/01/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT (Thông tư 03) về việc quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác và Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm nội luật hóa, thực hiện các cam kết trong CPTPP.  Những hướng dẫn trong Thông tư 03 là quan trọng đối với các nhà đầu tư đang dịch chuyển sản xuất từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để hưởng những ưu đãi về xuất xứ.  Tuy nhiên, việc áp dụng cụ thể các điều khoản hướng dẫn nên có sự tham khảo với luật sư thương mại quốc tế có có tư vấn cụ thể.

Thông tư 03 quy định, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó đáp ứng các quy định tại Điều 5 như sau:

– Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều Nước thành viên theo quy định tại Điều 6 Thông tư 03;

– Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều Nước thành viên;

– Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều Nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 03.

Ngoài ra, so với các hiệp định thương mại (Free Trade Agreement hay FTA) Việt Nam đã ký kết và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP còn quy định quy tắc xuất xứ đối với hàng tân trang, tái chế tạo; quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa. Với các bộ hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ theo CPTPP nếu tất cả các hàng hóa trong bộ đều có xuất xứ, hoặc nếu không thì số hàng hóa trong bộ không có xuất xứ có giá trị không vượt quá 10% trị giá của bộ đó. Trong CPTPP, các mặt hàng tân trang được cam kết đối xử tương tự như hàng hóa mới cùng loại. CPTPP cũng có quy định rất linh hoạt liên quan đến quy tắc xuất xứ đối với các mặt hàng này. Cụ thể, các nguyên phụ liệu thu được tại một nước CPTPP từ việc tháo dỡ hàng hóa đã qua sử dụng, được xử lý, làm sạch và đưa về điều kiện hoạt động bình thường, sau đó được dùng trong quá trình sản xuất hoặc được cấu thành trong hàng tân trang, thì các nguyên liệu này sẽ được coi luôn là có xuất xứ CPTPP mà không cần quan tâm đến xuất xứ ban đầu của nguyên liệu là ở đâu.

Đặc biệt, quy tắc trong CPTPP linh hoạt hơn so với quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA khác. CPTPP và Thông tư 03 (Điều 14) cũng đưa ra quy định De Minimis – hàng hóa có chứa nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng được quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu trị giá của tất cả các nguyên liệu nói trên không vượt quá 10% trị giá hàng hóa. Ngoài công thức tính hàm lượng giá trị khu vực FTA (RVC) gián tiếp và trực tiếp, có thêm công thức tính RVC theo trị giá tập trung và công thức tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô).

Đối với việc cấp C/O, Việt Nam áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các Nước thành viên khác của Hiệp định. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực. Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và các văn bản có liên quan.  Thông tư 03/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 08/3/2019.

Các luật sư tại Công ty luật ANT Lawyers thường xuyên theo dõi sự thay đổi của luật liên quan tới thương mại quốc tế và vấn đề xuất xứ hàng hóa để giúp khách hàng nắm bắt và đầu tư hiệu quả nhất vào Việt Nam.