Ngày 25/11/2019, Quốc Hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019. Lần sửa đổi này quy định nhiều điểm mới nổi bật về xuất nhập cảnh của người nước ngoài.
Về thị thực dành cho nhà đầu tư, thị thực dành cho nhà đầu tư được phân làm 04 loại: ĐT1, ĐT2, ĐT3 và ĐT4. Việc phân loại dựa trên số vốn đầu tư và ngành nghề đầu tư. Chẳng hạn, thị thực ĐT1 cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định.
Về cấp thị thực điện tử, theo quy định, thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử. Người nước ngoài và cơ quan, tổ chức bảo lãnh cho người nước ngoài là chủ thể có quyền đề nghị cấp thị thực điện tử. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực.
Về chuyển đổi mục đích thị thực, hiện nay, thị thực của người nước ngoài tại Việt Nam không thể chuyển đổi được mục đích. Trường hợp người nước ngoài muốn chuyển đổi mục đích visa thì buộc phải xuất cảnh khỏi Việt Nam và làm thủ tục xin cấp thị thực với mục đích mới. Điều này gây ra không ít khó khăn, phiền hà khi người nước ngoài muốn chuyển đổi mục thị thực. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2019, có 03 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích: Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử, có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Trong những trường hợp này, người nước ngoài sẽ được cấp thị thực mới có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.
Về các trường hợp được miễn thị thực, bên cạnh việc kế thừa các quy định trước đó, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, bổ sung thêm một trường hợp được miễn thị thực. Người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ và đáp ứng đủ các điều kiện như: Có sân bay quốc tế; Có không gian riêng biệt; Có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với đất liền; Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam thì được miễn thị thực khi nhập cảnh.
Về thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài, thời hạn và loại thẻ tạm trú được cấp dựa vào số vốn góp, số vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam, xin giấy phép đăng ký đầu tư, và đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, thời hạn thẻ tạm trú ĐT1 đối với người nước ngoài thành lập doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên có thời hạn không quá 10 năm. Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT2 cấp cho nhà đầu tư góp vốn từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng có thời hạn không quá 05 năm, thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT3 dành cho nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng có thời hạn không quá 03 năm. Và nhà đầu tư sử dụng thị thực ĐT4 với mức vốn góp có giá trị dưới 03 tỷ đồng thì không được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam.
Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 sẽ áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Người nước ngoài cần tuân thủ khi nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.