Theo quy định pháp luật về khiếu nại, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, các thông báo hay quyết định của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam liên quan đến một đối tượng sở hữu công nghiệp cũng là một quyết định hành chính và có thể bị khiếu nại nếu các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan xét thấy quyền và lợi ích đó của họ bị ảnh hưởng.
Quyền khiếu nại
Theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành liên quan đến khiếu nại việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, các chủ thể có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra tòa bao gồm người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Thời hạn khiếu nại
Khiếu nại lần đầu được thực hiện trong vòng chín mươi (90) ngày kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định của hoặc thông báo về xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Khiếu nại lần thứ hai là ba mươi (30) ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trình tự khiếu nại
Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến sở hữu công nghiệp (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà án. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại toà án.
Hồ sơ khiếu nại
Hồ sơ khiếu nại phải bao gồm các tài liệu sau đây:
- Tờ khai theo mẫu;
- Văn bản giải trình khiếu nại và chứng cứ chứng minh lý lẽ khiếu nại;
- Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ;
- Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất (đối với khiếu nại lần thứ hai);
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua ANT).
Giải quyết đơn khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải kiểm tra đơn theo các yêu cầu về hình thức và ra thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đơn khiếu nại có được thụ lý hay không. Trong trường hợp đơn được thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp (“bên liên quan”) và ấn định một thời hạn nhất định kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến. Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại. Nếu kết thúc thời hạn nêu trên mà bên liên quan không có ý kiến thì khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở ý kiến của người khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại và công bố
Căn cứ vào lập luận, chứng cứ của người khiếu nại và bên liên quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo cho người khiếu nại và bên liên quan về những lập luận và chứng cứ của bên kia được sử dụng để giải quyết khiếu nại cũng như kết luận giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.