Ngày 19/6, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã tổ chức “Lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” và Cổng thông tin điện tử công nghiệp hỗ trợ chính thức đi vào hoạt động.
Hệ thống này nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, kết nối, giao thương; mang đến cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) có cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đồng thời tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư.
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều công ty, nhà máy sản xuất, chế biến, lắp ráp tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2019, thu hút được 3.478 dự án mới trên cả nước, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Điều đó chứng tỏ, kỳ vọng của các doanh nghiệp FDI vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro, vì thế nó sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.
Theo số liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp, hiện nay, Việt Nam có 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.
Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong nước với nước ngoài, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.
Trong thời gian tới, chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, mở rộng thông tin dữ liệu của nhiều ngành hàng và tiếp tục phát triển các tính năng mới cho phép doanh nghiệp tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận, thúc đẩy hợp tác, góp phần đưa ngành công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.