Tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước (sau đây gọi là “Bên yêu cầu”) có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong trường hợp nhận thấy hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá gây ra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước (khoản 1 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương 2017). Quy trình nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá bao gồm các giai đoạn:
Giai Đoạn 1: Chuẩn Bị Hồ Sơ Chống Bán Phá Giá
Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (sau đây gọi là “Hồ sơ yêu cầu”) bao gồm Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (sau đây gọi là “Đơn yêu cầu”) và các giấy tờ, tài liệu có liên quan. Để Bên yêu cầu không mất thời gian bổ sung hồ sơ sau khi nộp thì Bên yêu cầu cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
Giai Đoạn 2: Nộp Hồ Sơ Chống Bán Phá Giá
Bên yêu cầu nộp một (01) bộ Hồ sơ yêu cầu tới Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp (sau đây gọi là “Cơ quan điều tra”) thuộc Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, có địa chỉ tại số 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ quan làm việc trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6.
Trường hợp Bên yêu cầu muốn bảo mật một số thông tin trong Hồ sơ yêu cầu, Bên yêu cầu cần nộp hai (02) bộ hồ sơ bao gồm bản thông tin bảo mật và bản thông tin công khai. Đối với các thông tin bảo mật, Bên yêu cầu phải gửi kèm bản giải trình chi tiết về lý do đề nghị bảo mật và bản tóm tắt những nội dung của thông tin mật có thể công bố công khai cho các bên liên quan khác (khoản 3 Điều 11 Nghị định 10/2018/NĐ-CP).
Cơ quan điều tra sẽ thẩm định tính hợp lệ của Hồ sơ yêu cầu và sẽ thông báo về tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ tới Bên yêu cầu trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ (khoản 1 Điều 30 Nghị định 10/2018/NĐ-CP).
Giai Đoạn 3: Bổ Sung Hồ Sơ Chống Bán Phá Giá
Trường hợp Hồ sơ yêu cầu không hợp lệ, không đầy đủ, Cơ quan điều tra sẽ thông báo bổ sung hồ sơ tới Bên yêu cầu. Bên yêu cầu sẽ có tối thiểu 30 ngày để bổ sung hồ sơ kể từ ngày Cơ quan điều tra thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ, thời gian cụ thể do Cơ quan điều tra quy định (khoản 2 Điều 30 Nghị định 10/2018/NĐ-CP).
Trường hợp Hồ sơ yêu cầu hợp lệ, đầy đủ, Cơ quan điều tra sẽ thông báo với các bên liên quan bao gồm Bên yêu cầu về việc nhận hồ sơ và bắt đầu quá trình thẩm định các điều kiện của Hồ sơ yêu cầu làm căn cứ để Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá. Thủ tục nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đến thời điểm này là hoàn thành.
Nhìn chung, các thông tin trong Hồ sơ yêu cầu đều cần được đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, tuy nhiên, để Hồ sơ yêu cầu vượt qua bước thẩm định điều kiện và trở thành căn cứ ra quyết định khởi xướng điều tra thì trước khi nộp Hồ sơ yêu cầu, Bên yêu cầu cần đặc biệt chú ý đảm bảo đầy đủ hai (02) điều kiện sau:
Điều kiện về tư cách chủ thể, Bên yêu cầu phải thỏa mãn tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 2 Điều 79 và khoản 2 Điều 87 của Luật Quản lý ngoại thương (điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị định 10/2018/NĐ-CP).Bên yêu cầu được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước khi đảm bảo đủ hai (02) yếu tố:
(i) Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của Bên yêu cầu và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải lớn hơn tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước phản đối việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
(ii) Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của ngành sản xuất trong nước.
Điều kiện về chứng cứ, Bên đại diện cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm chứng minh việc bán phá giá các hàng hóa đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Các nội dung cần chuẩn bị kỹ, đầy đủ bao gồm:
i) Thông tin về giá thông thường và giá xuất khẩu của hàng hóa được mô tả trong Đơn yêu cầu; biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
ii) Thông tin, số liệu, chứng cứ về thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước;
iii) Thông tin, số liệu, chứng cứ về mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.
Khi đảm bảo cả hai điều kiện kể trên đầy đủ và chính xác, tỉ lệ vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được khởi xướng sẽ được nâng cao hơn rất nhiều.
Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)
Là công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.
For Clients Speaking English
ANT Lawyers is a law firm in Vietnam with English speaking lawyers, located in the business centers of Hanoi, Danang and Ho Chi Minh City to provide convenient access to our clients. Please contact us via email ant@antlawyers.vn or call our office at +84 28 730 86 529 for legal service in Vietnam