Giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mất cha mẹ

Giám hộ là một trong những chế định đặc biệt trong pháp luật dân sự, chế định này hướng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất hoặc trí lực trong xã hội. Có hai hình thức giám hộ được pháp luật quy định là giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử, chỉ định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân. Quan hệ giám hộ dạng này được xác định bằng các quy định về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ và tài sản của họ.

Người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi) không còn cha mẹ là một trong các đối tượng được giám hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Họ được coi là những đối tượng yếu thế trong xã hội và cần được quan tâm chăm sóc, bảo vệ. Do đó, để tránh trường hợp những người này không có người giám hộ khi cha mẹ của họ đột ngột qua đời, pháp luật dân sự đã đưa ra quy định để xác định thứ tự lần lượt những người giám hộ đương nhiên dựa vào mối quan hệ huyết thống ruột thịt của họ như sau: (i) Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ. (ii) Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ. (iii) Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Như vậy, theo thứ tự lần lượt như trên, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên sẽ luôn được xác định cụ thể và người này phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện của người giám hộ, bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Trong trường hợp người chưa thành niên không có người giám hộ đương nhiên thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người này có trách nhiệm cử người giám hộ. Bên cạnh đó, nếu có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.

Theo đó, khi người chưa thành niên mất cha mẹ, theo quy định của pháp luật thì anh ruột, chị ruột sẽ là người giám hộ đương nhiên. Tuy nhiên, nếu người này không có anh, chị ruột thì ông bà nội, ông bà ngoại sẽ là người giám hộ đương nhiên của người này và cả ông bà nội, ông bà ngoại đều có quyền bình đẳng trong việc giám hộ cho cháu chưa thành niên theo quy định tại Bộ Luật dân sự và Khoản 1 Điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.”

Pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện của các đương sự trong việc xác định quyền giám hộ cho trẻ mất cả cha và mẹ. Ông bà nội, ông bà ngoại có thể thỏa thuận để cử ra một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ cho cháu chưa thành niên theo quy định. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được về người giám hộ cho cháu thì đây là dạng tranh chấp khác trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Do đó, căn cứ vào quy định tại Khoản 8 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, một trong các bên đương sự có thể làm đơn gửi đến Toà án cấp quận/huyện có thẩm quyền để đề nghị Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án sẽ căn cứ vào thực tế vụ việc, điều kiện làm giám hộ của các bên, quan hệ tình cảm giữa người giám hộ và người được giám hộ, khả năng bảo đảm việc phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần để quyết định giao cháu bé cho ai làm người giám hộ. Ngoài ra, nếu người được giám hộ từ đủ 6 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ phải xem xét nguyện vọng của người này trong quá trình giải quyết tranh chấp để đưa ra một phán quyết chỉ định người giám hộ phù hợp nhất.

Tóm lại, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rõ ràng và cụ thể để xác định người giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên mất cha mẹ. Bên cạnh đó, luật còn quy định việc xác định người giám hộ có thể có sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Uỷ ban nhân dân và Tòa án trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa những người giám hộ để cử, chỉ định ra người giám hộ một cách công bằng. Tất cả những quy định này nhằm đảm bảo người chưa thành niên được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất để phát triển trong tương lai.

For Clients Speaking English

ANT Lawyers is a law firm in Vietnam with English speaking lawyers, located in the business centers of Hanoi, Danang and Ho Chi Minh City to provide convenient access to our clients. Please contact us via email ant@antlawyers.vn or call our office at +84 28 730 86 529 for legal service in Vietnam