Đăng ký giao dịch bảo đảm được luật hoá tại Việt nam từ năm 2000 và đã mang lại nhưng hiệu quả kinh tế xã hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Giá trị của đăng ký giao dịch bảo đảm là tạo ra hiệu lực pháp lý đối kháng với bên thứ ba từ thời điểm đăng ký, và là căn cứ xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo để thanh toán nghĩa vụ, theo đó chủ nợ có đảm bảo thanh toán sẽ được pháp luật bảo vệ đối với tài sản được đăng ký bảo đảm tuỳ theo thứ tự ưu tiên. Từ những thông tin về giao dịch bảo đảm, các bên quan tâm có thể tra cứu để tránh rủi ro trong các trường hợp tài sản đang được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ khác, tài sản bị hạn chế quyền sở hữu, hoặc tài sản không phải của người bán như được thông tin, từ đó ra các quyết định kinh doanh phù hợp.
Về việc đăng ký biện pháp bảo đảm, so với Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 102), Nghị định 99/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 99) đã bổ sung mới 12 điều, bãi bỏ 9 điều, kế thừa theo hướng sửa đổi nội dung và kỹ thuật văn bản của 61 điều; bên cạnh đó, bổ sung Phụ lục về các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Những quy định có tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng về nhiều nội dung: giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba; tư cách của chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc đứng tên người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm của cơ quan đăng ký; triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng; bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng,
Cụ thể các điểm mới đáng chú ý như sau:
Điều chỉnh đối với đăng ký biện pháp bảo đảm chứng khoán.
Nếu như trước đây, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán không được đề cập trong Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm thì với quy định mới, Chính phủ đã nhận định rõ biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này với loạt các quy định trực tiếp như thời điểm có hiệu lực đăng ký, cơ quan đăng ký và cung cấp thông tin, thủ tục đăng ký. Tất nhiên, việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung vẫn áp dụng quy định pháp luật chuyên ngành về chứng khoán.
Đối tượng áp dụng rộng hơn, trong đó, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân.
Nghị định 99 quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm mà không chỉ riêng với cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình đăng ký, tìm hiểu thông tin và cá nhân, pháp nhân khác liên quan. Đồng thời, theo quy định cũ, quyền của doanh nghiệp tư nhân không được đề cập đến vì là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo quy định tại Nghị định 99, trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản thuộc doanh nghiệp tư nhân mà người yêu cầu đăng ký là bên bảo đảm thì có thể đứng tên người yêu cầu đăng ký là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc tên doanh nghiệp tư nhân.
Liệt kê cụ thể hơn về các loại Sổ đăng ký.
Sổ đăng ký là sổ được cơ quan đăng ký dùng để ghi, cập nhật nội dung đăng ký. Sổ đăng ký có thể là sổ giấy, sổ điện tử hoặc đồng thời là sổ giấy và sổ điện tử.
Nếu nghị định cũ vẫn quy định theo hướng phụ thuộc pháp luật chuyên ngành một cách chung chung bằng việc ghi “sổ khác theo quy định của pháp luật” thì quy định mới lại liệt kê cụ thể hơn. Bên cạnh Sổ địa chính hoặc Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam, Nghị định quy định thêm là Sổ theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản, tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản.
Áp dụng linh hoạt quy định của luật khác liên quan đối với các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định 102 ghi nhận các biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký và các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu và liệt kê cụ thể các trường hợp. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, ngoài Bộ luật Dân sự 2015, việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với từng loại tài sản được ghi nhận tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về đất đai, hàng hải, hàng không dân dụng, chứng khoán. Vì thế, Nghị định 99 quy định theo hướng dẫn chiếu “quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan”. Điều này khẳng định sự bảo đảm thống nhất áp dụng cho việc đăng ký các biện pháp bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành có liên quan cũng như các trường hợp đăng ký theo thỏa thuận; bên cạnh đó còn đảm bảo việc áp dụng linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi trong quy định của luật khác có liên quan.
Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc không được yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.
Cơ quan đăng ký phải thực hiện đúng thẩm quyền, nhiệm vụ, căn cứ, thủ tục và thời hạn; không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà Nghị định này không quy định trong hồ sơ đăng ký; không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cơ quan đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này. Đi cùng với quy định đó, cơ quan đăng ký sẽ không phải chịu trách nhiệm về tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm; về thực hiện đăng ký, hủy đăng ký, khôi phục việc đăng ký đã bị hủy theo nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, của người có thẩm quyền; về việc đã đăng ký đối với tài sản bảo đảm là tài sản có tranh chấp hoặc tài sản thi hành án dân sự nhưng trước hoặc tại thời điểm ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu, cơ quan đăng ký không nhận được văn bản thụ lý hoặc văn bản chứng minh việc cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp hoặc giải quyết thi hành án dân sự.
Quy định rõ việc đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng trong trường hợp thông tin đăng ký không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận.
Việc đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển hoặc đối với tàu bay, tàu biển phải đảm bảo nội dung được kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận, thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan đăng ký vẫn chấp thuận đăng ký theo các thông tin không thống nhất với thông tin trên Giấy chứng nhận, thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký như trường hợp đăng ký đối với tài sản hình thành trong tương lai; tài sản gắn liền với đất mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu; tài sản là cây hằng năm, công trình tạm; động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung hoặc trường hợp đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm; hay trường hợp thay đổi thông tin về bên bảo đảm, thay đổi về tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trên thực tế, một tình huống không ít khi gặp phải là vợ chồng không cùng có tên trên Giấy chứng nhận đối với tài sản chung. Để giải quyết vấn đề này, cần quan tâm thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm giữa các bên có bao gồm cả vợ và chồng hay không. Nếu tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc tài sản chung của vợ chồng mà Giấy chứng nhận chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng là người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất nhưng thông tin về bên bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm bao gồm cả vợ và chồng, thì vẫn được đăng ký kê khai thông tin về bên bảo đảm trên Phiếu yêu cầu đăng ký bao gồm cả vợ và chồng.
Bên cạnh những điểm mới đáng lưu ý trên, Nghị định 99 còn bổ sung định nghĩa về “Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm”, “Giấy chứng nhận”, “Hủy đăng ký” và bổ sung Phụ lục về các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Đây là bổ sung cần thiết và quan trọng nhằm đồng nhất cách thức áp dụng hồ sơ trên toàn quốc giữa bối cảnh hiện nay vẫn còn có những cách làm không đồng nhất giữa các địa phương, trong đó, có nơi vẫn sử dụng các mẫu biểu cũ.
Tóm lại, có thể thấy, Nghị định 99 đã quy định nhiều nội dung mới để góp phần giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm. Những điều chỉnh mới trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm được mong đợi sẽ củng cố cơ sở và công cụ để các tổ chức tín dụng thu hồi nợ vay thông qua quyền xử lý đối với tài sản bảo đảm của khách hàng vay và bên bảo đảm, từ đó, tác động tích cực đến hoạt động cấp tín dụng và nhận bảo đảm.