Những vấn đề cơ bản nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi thành lập công ty tại Việt Nam

Là một địa điểm có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện hoạt động đầu tư có hiệu quả, nhà đầu tư nước ngoài nên tìm hiểu kỹ về các chính sách pháp luật, ưu đãi đầu tư cũng như quy trình, thủ tục thành lập công ty tại Việt Nam. Bài viết dưới đây đề cập đến những vấn đề cơ bản nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý nếu dự định lựa chọn Việt Nam là nơi đầu tư của mình.

Khuyến khích đầu tư thành lập công ty tại Việt Nam

Về chủ thể, nhà đầu tư nước ngoài có thể là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Liên quan đến ngành nghề kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài có thể kinh doanh bất kì ngành nghề nào mà pháp luật không cấm, tuy nhiên có một số ngành nghề đặc thù mà nhà đầu tư phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc để có thể đăng ký kinh doanh.

Cần có giấy phép gì để thành lập công ty tại Việt Nam?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư muốn thành lập một công ty tại Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận đầu tư từ cơ quan cấp phép trừ trường hợp được miễn. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư thông thường sẽ là 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ hợp lệ đối với dự án đầu tư không thuộc diện có chủ trương quyết định đầu tư. Pháp luật Việt Nam không yêu cầu về mức vốn tối thiểu để thành lập một doanh nghiệp, ngoại trừ những lĩnh vực đầu tư hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng nhà đầu tư có nghĩa vụ phải góp vốn theo đúng lộ trình đã được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không thể góp đủ vốn theo như thời hạn đã cam kết thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các chế tài xử phạt, trong đó có thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Chính vì vậy nhà đầu tư cần lưu ý dự kiến chính xác thời hạn góp vốn cũng như thời hạn thực hiện dự án để tránh trường hợp bị cơ quan chức năng thanh tra, phạt vi phạm và phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

Sau khi được cấp phép, phải làm gì để tuân thủ?

Một vấn đề nữa mà nhà đầu tư cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp đó là con dấu của doanh nghiệp. Nhà đầu tư có quyền quyết định về số lượng con dấu phụ thuộc vào quy định trong Điều lệ công ty. Trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu hoặc thay đổi số lượng con dấu; doanh nghiệp phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất thủ tục thông báo và được đăng tải mẫu dấu lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, con dấu có thể được sử dụng từ ngày thông báo được đăng tải.

Khai và nộp thuế tại Việt Nam

Sau khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm đến nghĩa vụ nộp thuế. Hằng năm doanh nghiệp sẽ cần nộp một số loại thuế, phí khác nhau như: lệ phí môn bài (dựa trên vốn điều lệ đăng ký); thuế thu nhập doanh nghiệp khi có lợi nhuận; kê khai và nộp thuế giá giá trị gia tăng. Tùy vào ngành nghề đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp còn có thể phải nộp các loại thuế như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Nộp báo cáo bắt buộc ở Việt Nam

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo dự án đầu tư theo pháp luật. Việc báo cáo này sẽ được thực hiện định kỳ (theo tháng, quý hoặc năm) về các nội dung như: vốn đầu tư thực hiện, kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, báo cáo về công tác bảo vệ môi trường… Vì vậy, nhà đầu tư nên chú ý lập kế hoạch thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và báo cáo định kỳ để đảm bảo thực hiện đúng thời hạn theo quy định, tránh những rủi ro không đáng có như xử phạt hành chính, tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)

công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.