Luật Áp Dụng Trong Tranh Chấp Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế

Hiện nay nhu cầu giao thương với Việt Nam của các thương nhân đến từ nhiều các quốc gia trên thế giới đang được gia tăng. Điều này đống nghĩa với việc số lượng những tranh chấp đồng thương mại quốc tế cũng sẽ gia tăng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa để ý đến các vấn đề trong hợp đồng, cụ thể là luật áp dụng khi có tranh chấp hợp đồng. Mọi người luôn có suy nghĩ, tranh chấp ít khi xảy ra.

Thực tế, tranh chấp hợp đồng là một rủi ro cần được tính đến vì các sự kiện xảy ra tranh chấp có thể đến từ các yếu tố bất ngờ không định đoán trước được. Ví dụ giá thay đổi, khối lượng sản phẩm thay đổi, nhà cung cấp không có hàng đủ chất lượng, nhân sự, vận tải, thời tíết, mùa vụ cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng.

Để có thể đảm bảo quyền lợi tốt nhất của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu kỹ về việc thỏa thuận luật áp dụng trong thời điểm giao kết hợp đồng.

1. Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế Là Gì?

Hợp đồng thương mại quốc tế là hình thức pháp lý của hành vi thương mại quốc tế, là sự thỏa thuận của các thương nhân nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại quốc tế.

2. Nguồn Luật Áp Dụng Trong Tranh Chấp Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế?

Khi các chủ thể thỏa thuận về luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế, các bên có thể lựa chọn:

Điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế là thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể luật quốc tế và được luật quốc tế điều chỉnh. Nội dung điều chỉnh của luật thương mại quốc tế bao gồm: hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệđầu tư có yếu tố nước ngoài.

Ví dụ: Khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các chủ thể có thể lựa chọn luật áp dụng là Công ước Viên 1980 về Mua bán hàng hóa (CISG)

Pháp luật quốc gia

Pháp luật quốc gia là hệ thống quy phạm pháp lý thành văn hoặc không thành văn do nhà nước đặt ra hoặc công nhận nhằm điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa các chủ thể của pháp luật phát sinh trong lãnh thổ hoặc quyền tài phán của quốc gia đó.

Khi giao kết hợp đồng thương mại quốc tế, các chủ thể có thể lựa chọn luật quốc gia làm luật áp dụng cho hợp đồng (có thể là luật quốc gia của 1 trong 2 bên chủ thể hoặc quốc gia nơi hợp đồng được thực thi)

Tập quán thương mại quốc tế

Tập quán thương mại quốc tế là những nguyên tấc xử sự, phổ biến được hình thành lâu đời trong thực tiễn hoạt động thương mại quốc tế.

Một số tập quán thương mại quốc tế được sử dụng rộng rãi hiện nay như: UCP (dùng trong thanh toán L/C), INCOTERMS (dùng trong mua bán hàng hóa quốc tế),…

3. Nguyên Tắc Lựa Chọn Luật Áp Dụng Trong Tranh Chấp Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế

Nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên – “lex voluntatis”

Chủ thể của hợp đồng có quyền tự do lựa chọn luật áp dụng trong tranh chấp hợp đồng. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp phải tôn trọng quyết định này của các bên. Cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ có thể yêu cầu các bên sử dụng nguồn luật khác trong trường hợp luật do các bên lựa chọn không thể hoặc không đủ để giải quyết tranh chấp phát sinh đó.

Luật áp dụng có thể là Điều ước quốc tế, Pháp luật quốc gia, Tập quán thương mại quốc tế.

Nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên sẽ chỉ bị hạn chế trong trường hợp đối tượng hợp đồng là Bất động sản, hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng hoặc việc chọn luật ảnh hưởng đến chính sách công của tòa án.

Nguyên tắc lựa chọn pháp luật có mối quan hệ mật thiết nhất với hợp đồng

Nguyên tắc này sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp hai bên chủ thể không có thỏa thuận luật áp dụng hoặc luật áp dụng không đủ để giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Trong các điều ước quốc tế cũng như pháp luật quốc gia có những điều khoản quy định cách xác định nguồn luật có mối quan hệ mật thiết nhất với hợp đồng. Pháp luật Việt Nam có quy định về cách thức xác định luật áp dụng trong một số hợp đồng cụ thể như sau:

  • Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa: Pháp luật có mối quan hệ mật thiết nhất là nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở nếu là pháp nhân.
  • Tranh chấp Hợp đồng cung ứng dịch vụ: Pháp luật có mối liên hệ gắn bó là pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân. Quy định này cũng tương tự như hợp đồng mua bán hàng hóa. 
  • Tranh chấp Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ: Pháp luật áp dụng phải là pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân.

Mặc dù trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không có xung đột pháp luật nhưng trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thì có thể xảy ra xung đột pháp luật, do đây là các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Lựa chọn luật áp dụng là của nước người nhận cư trú là phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, vì hiện nay và trong cả tương lai có lẽ Việt Nam vẫn là nước nhận quyền chuyển giao các đối tượng sở hữu trí tuệ nhiều hơn là nước chuyển giao, vì vậy đây là cơ sở để mở rộng phạm vi pháp luật Việt Nam một cách chính đáng.

  • Tranh chấp Hợp đồng lao động: Luật có mối quan hệ mật thiết là luật nơi người sử dụng lao động đăng ký hoạt động.
  • Tranh chấp Hợp đồng tiêu dùng: Luật có mối quan hệ mật thiết nhất là luật nơi người tiêu dùng cư trú. Mục đích của việc này là để bảo vệ người tiêu dùng, tránh sự không công bằng trong địa vị pháp lý các bên nếu phát sinh tranh chấp.
  • Tranh chấp Hợp đồng có đối tượng là Bất động sản: Luật áp dụng sẽ là luật nơi có bất động sản. Việt Nam quy định như vậy là vì mục địch bảo vệ an ninh quốc gia.

Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)

công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.