Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 (cùng thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực). Nghị định 55 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới ban hành này của Chính phủ gồm có 08 Chương, 30 điều (giảm 07 điều so với Nghị định số 99/2011/NĐ-CP), quy định chi tiết khoản 9 Điều 3; khoản 2 Điều 9; khoản 2 Điều 13; khoản 5 Điều 23; khoản 5 Điều 28; khoản 3 Điều 32; khoản 5 Điều 33; khoản 4 Điều 37; khoản 5 Điều 39; khoản 3 Điều 40; khoản 3 Điều 45; khoản 3 Điều 47 và khoản 2 Điều 73 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Một số điểm mới đáng lưu ý của Nghị định 55 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng so với Nghị định 99/2011/NĐ-CP:
Thứ nhất, các quy định chi tiết về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được nêu trong điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP. Các hoạt động này bao gồm: tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kỹ năng tiêu dùng, nhằm kêu gọi, tập hợp sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các hoạt động công cộng thu hút sự tham gia đông đảo của người tiêu dùng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; các hoạt động thuộc các kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cùng các hoạt động khác hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được quy định theo hướng lồng ghép, kết hợp với nhiều hoạt động khác của chương trình cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được tổ chức kéo dài trong cả năm, đặc biệt tập trung vào tháng cuối năm và ba tháng đầu năm, cao điểm từ ngày 1 đến ngày 20/3 hàng năm.
Thứ hai, về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không cần đăng ký kinh doanh trong phạm vi chợ và trung tâm thương mại, Điều 4 Nghị định 55 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rằng: Những cá nhân này, ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, còn phải tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do tổ chức quản lý chợ và trung tâm thương mại ban hành theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Điều 6 Nghị định 55 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải đáp ứng năm yêu cầu: ngôn ngữ là tiếng Việt (có thể thỏa thuận sử dụng thêm ngôn ngữ khác theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), cỡ chữ tối thiểu là 12 theo phông Times New Roman hoặc tương đương, màu chữ và nền có độ tương phản rõ ràng, bố cục dễ theo dõi, và nội dung rõ ràng, dễ hiểu, tuân thủ pháp luật. Điều này bổ sung và làm rõ quy định về ngôn ngữ trong hợp đồng, cũng như yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương.
Thứ tư, quy định về đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại Điều 13 Nghị định 55 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có một số nội dung tiếp tục kế thừa và bổ sung từ Điều 15 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP. Theo đó, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nếu bị hủy bỏ hoặc sửa đổi do vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau khi đăng ký lại, hợp đồng và điều kiện giao dịch chung phải được công khai tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và trên cổng thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) trong suốt thời gian áp dụng.
Tóm lại, những thay đổi và bổ sung của Nghị định 55 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ đảm bảo sự tuân thủ pháp luật mà còn tăng cường nhận thức và sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với việc lồng ghép các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, nghị định này hứa hẹn sẽ thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và bền vững, góp phần bảo vệ và nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.
Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)
Là công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.