Bối cảnh toàn cầu và lý do Việt Nam cần một khung pháp lý tài sản số
Trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến một sự bùng nổ chưa từng có của tài sản số. Từ các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum đến những sản phẩm tài chính phái sinh như token chứng khoán, hay thậm chí là các NFT (non-fungible token) trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, tài sản số không còn là khái niệm viễn tưởng của tương lai mà đã là một phần của thực tại.
Không phải ngẫu nhiên khi khái niệm “tài sản số” được các quốc gia phát triển quan tâm. Tài sản số là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kết hợp giữa công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và hạ tầng dữ liệu lớn (big data). Chúng vừa là biểu tượng của đổi mới sáng tạo, vừa là mảnh đất mới để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ số, và thu hút vốn đầu tư toàn cầu.
Việt Nam giữa làn sóng số hóa toàn cầu
Tại Việt Nam, tài sản số đang dần trở thành một phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các sàn giao dịch tiền mã hóa hoạt động ngầm nhưng đông đảo, các doanh nghiệp công nghệ đã bắt đầu thử nghiệm phát hành token, tạo ví lưu trữ tài sản, xây dựng nền tảng blockchain riêng… Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia ngày một nhiều vào thị trường này bất chấp rủi ro cao và thiếu hành lang pháp lý.
Theo một số nghiên cứu, Việt Nam nằm trong các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng tiền mã hóa nhiều nhất thế giới. Song, nghịch lý ở chỗ: dù thị trường đang phát triển mạnh, thì hành lang pháp lý vẫn gần như bỏ trống. Các giao dịch tài sản số không được thừa nhận là hợp pháp, nhưng cũng không bị cấm tuyệt đối, khiến cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý đều ở trong tình trạng không rõ ràng.
Rủi ro và khoảng trống pháp lý
Không có khung pháp lý tài sản số, rủi ro là điều tất yếu. Nhà đầu tư rơi vào bẫy của các dự án ma, sàn giao dịch lừa đảo, token mất giá trị sau một đêm. Nhà nước không thu được thuế từ các giao dịch có thể sinh lợi. Các cơ quan thực thi pháp luật lúng túng khi cần xử lý tranh chấp, xử phạt hành vi lừa đảo hoặc rửa tiền qua blockchain. Những khoảng trống đó không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn ảnh hưởng đến uy tín thị trường và mục tiêu phát triển nền kinh tế số quốc gia.
Bối cảnh toàn cầu cũng đặt ra áp lực lớn. Nhiều quốc gia đã đi trước trong việc ban hành luật quản lý tài sản số, dù các nước có hướng đi riêng nhưng cùng điểm chung là không thể chậm trễ trong việc kiểm soát và phát triển thị trường tài sản số.
Cách tiếp cận của chính phủ Việt Nam
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã chính thức đặt vấn đề xây dựng khung pháp lý tài sản số như một ưu tiên chính sách. Cụ thể, ngày 6/3/2025, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 81/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp với các Bộ về việc “khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa và tiền mã hóa”.
Ngày 9/3/2025, Thủ tướng tiếp tục ban hành Công điện số 22/CĐ-TTg về việc cắt giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất cơ chế thí điểm phát hành và giao dịch tài sản số.
Ngày 11/3/2025, Bộ Tài chính trình Chính phủ Tờ trình số 64/TTr-BTC, đề xuất Dự thảo Nghị quyết thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản chính thức đề cập đến việc công nhận và quản lý tài sản số, dù mới dừng ở bước thí điểm.
Khung pháp lý tài sản số
Câu hỏi đặt ra là tại sao phải cần đến một khung pháp lý tài sản số?
Đơn giản là không thể phát triển bất cứ thị trường nào nếu thiếu luật chơi rõ ràng. Luật không chỉ để cấm đoán hay kiểm soát, mà để tạo nền tảng vận hành minh bạch, công bằng và bền vững.
Khung pháp lý tài sản số là tập hợp các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật và chính sách quản lý nhằm điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến tài sản số, từ định danh, phát hành, giao dịch, lưu trữ, chuyển nhượng, đến xử lý vi phạm và bảo vệ quyền lợi người dùng.
Đây là bộ khung giúp phân định đâu là hợp pháp, đâu là bất hợp pháp. Ai có quyền phát hành token, ai được phép giao dịch, thuế phải đóng thế nào, cách xử lý tranh chấp ra sao…
Quan trọng hơn, khung pháp lý tài sản số cũng là công cụ để Nhà nước kiểm soát rủi ro vĩ mô, bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia trước các biến động từ công nghệ. Nhìn từ góc độ chiến lược, đây là bước đi cần thiết để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong làn sóng kinh tế số toàn cầu.
Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)
Là công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.
Click below for English Version
5 Inspiring Reasons Why Vietnam Needs a Strong Vietnam Legal Framework for Digital Assets Today