Sau phần tranh tụng ngày 4/4 giữa đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố và các luật sư, dự kiến hôm nay (5/4) ), Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ” tại Tiên Lãng, Hải Phòng, sẽ tuyên án dành cho các bị cáo.
Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hải Phòng nêu rõ, các bị cáo: Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ đã bàn bạc, thống nhất dựng hàng rào ngăn chặn đoàn cưỡng chế; dùng súng hoa cải, mìn tự tạo để chống lại đoàn cưỡng chế. Hiểu rõ tính năng và mức độ nguy hiểm của các loại vũ khí, vật liệu nổ này nhưng bất chấp hậu quả có thể gây chết nhiều người, các bị cáo vẫn thực hiện. Tuy các lần nổ súng và hành vi gây nổ mìn, bình ga trên lối vào của đoàn công tác chưa dẫn đến hậu quả chết người, nhưng tính chất là rất manh động, nguy hiểm.
Trong vụ án này, Đoàn Văn Vươn là người chủ mưu; Đoàn Văn Quý là người thực hiện tích cực; Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Sịnh đóng vai trò trợ giúp.
Hai bị cáo Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương đã tiếp tay, giúp sức cho các bị cáo thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương phạm tội là do sự kích động, lôi kéo của người thân trong gia đình. Theo quan điểm của cơ quan Công tố, xét tính chất, mức độ phạm tội, có tính đến hoàn cảnh phụ nữ, do đó không nhất thiết phải cách ly hai bị cáo này khỏi xã hội.
Đề nghị mức án thấp so với khung hình phạt
Vì các lẽ đã nêu ở trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án cho các bị cáo phạm tội “giết người” gồm: Đoàn Văn Vươn từ 5-6 năm tù; Đoàn Văn Quý từ 4 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh từ 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm tù; Đoàn Văn Vệ từ 1 năm 8 tháng đến 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Hai bị cáo phạm tội “chống người thi hành công vụ” gồm Phạm Thị Báu cũng bị đề nghị mức án từ 18-24 tháng tù và Nguyễn Thị Thương từ 15-18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Do các bị hại không yêu cầu bồi thường nên các bị cáo không phải thực hiện trách nhiệm dân sự.
Nhìn chung, so với khung hình phạt cho cả hai tội danh, các mức án đề nghị đều thấp hơn hẳn. Điều này, một phần vì tất cả các bị cáo đều được hưởng khá nhiều tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh phát sinh hành vi phạm tội; phần vì trong quá trình điều tra, Đoàn Văn Vươn thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, từng tham gia quân đội; hậu quả giết người chưa xảy ra. Đoàn Văn Quý đã tự ra đầu thú, nhân thân chưa có tiền án tiền sự; Đoàn Văn Sịnh từng phục vụ quân đội, nhân thân tốt, phạm tội chưa đạt. Đoàn Văn Vệ trong giai đoạn điều tra thành khẩn khai báo. Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu có nơi cư trú rõ ràng, có chồng bị tạm giam trong 1 vụ án nên có thể áp dụng cải tạo ngoài xã hội.
Làm rõ một số vấn đề liên quan đến quyền lợi của các bị cáo
Tranh luận với quan điểm của Viện Kiểm sát, một số bị cáo và luật sư cho rằng, “do quyết định thu hồi đất không đúng”, “quyết định thu hồi đất là trái pháp luật”, nên hành động của các bị cáo đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Các bị cáo và luật sư bào chữa đề nghị đại diện Viện KSND TP Hải Phòng làm rõ một số vấn đề liên quan đến quyền lợi của các bị cáo; quan điểm tội danh của các bị cáo; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Đại diện Viện kiểm sát khẳng định các bị cáo đã cố ý, có bàn bạc, tổ chức dùng mìn, dùng súng tước đoạt mạng sống của người khác; những người bị hại đều là cán bộ Nhà nước, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, không có mâu thuẫn với các bị cáo.
Chiều 4/4, nói lời cuối cùng trước tòa, các bị cáo đều mong Hội đồng xét xử xem xét, mong được hưởng các tình tiết giảm nhẹ khi áp dụng hình phạt.
(Nguồn: chinhphu.vn)