Thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu để sử dụng tại Việt Nam

Ngày nay, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn cầu, kết nối với các đối tác nước ngoài ngày càng nhiều, cùng với đó là nhiều hoạt động liên quan đến giấy tờ, tài liệu của nước ngoài cần phải được cung cấp và đảm bảo tính pháp lý khi sử dụng tại Việt Nam. Để công nhận một bằng cấp, chứng chỉ do cơ sở đào tạo tại nước ngoài cấp, một xác nhận do một cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài cấp hay các giấy tờ nhân thân: hộ chiếu, giấy xác nhận nhân sự, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… có giá trị pháp lý để sử dụng trong các hoạt động hành chính tại Việt Nam, các giấy tờ đó phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan ngoại giao có thẩm quyền.

Hợp pháp hóa lãnh sự là việc việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

Yêu cầu cụ thể đối với giấy tờ, tài liệu đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự:

– Là giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để được công nhận và sử dụng ở Việt Nam.

– Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự (đã được Bộ Ngoại giao nước sở tại, cơ quan khác của nước ngoài được ủy quyền chứng nhận).

– Mẫu con dấu, mẫu chữ ký và chức danh của các cơ quan và người có thẩm quyền của nước ngoài phải được giới thiệu trước cho Cơ quan đại diện Việt Nam.

– Không thuộc các trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự hoặc không được chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự;

Hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự bao gồm:

a) 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu quy định;

b) Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;

c) 01 bản chụp giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;

d) Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, đã được chứng nhận bởi Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài nơi có Cơ quan đại diện Việt Nam hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam kiêm nhiệm;

đ) 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể hiểu được, nếu giấy tờ, tài liệu đó không được lập bằng các thứ tiếng trên;

e) 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu nêu tại điểm d và điểm đ để lưu tại Cơ quan đại diện.

* Trường hợp cần kiểm tra tính xác thực của giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể yêu cầu người đề nghị hợp pháp hóa xuất trình bổ sung bản chính giấy tờ, tài liệu có liên quan và nộp 01 bản chụp giấy tờ, tài liệu này để lưu tại Cơ quan đại diện.

Hãy liên hệ với  công ty luật ANT Lawyers để được tư vấn!