Phân phối là hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Với chính sách mở cửa nền kinh tế, hoạt động phân phối đang rất được quan tâm bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lĩnh vực phân phối là hoạt động đầu tư có điều kiện, được thực hiện theo quy trình thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Việc thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối vẫn được thực hiện theo quy định chung theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tuy nhiên, có một số vấn đề cần lưu ý như sau:
1. Hoạt động phân phối của Doanh nghiệp bao gồm những gì?
Khác với doanh nghiệp trong nước, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động bán hàng tại Việt Nam phải xin quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phân phối. Hoạt động phân phối bao gồm bán buôn hoặc bán lẻ. Bán buôn là hoạt động bán hàng hoá cho thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Bán lẻ là hoạt động bán hàng hoá trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.
Hoạt động phân phối sẽ không bao gồm hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp chỉ có chức năng phân phối sẽ được phép thu mua lại các sản phẩm của nhà cung cấp trong nước để thực hiện hoạt động phân phối sản phẩm đó.
2. Điều kiện để nhà đầu tư được phép đầu tư trong lĩnh vực phân phối là gì?
Nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức thuộc các nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và trong Điều ước quốc tế đó Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa. Hiện nay, các nước, vùng lãnh thổ đang được Việt Nam ký cam kết mở cửa thị trường theo hoặc không theo lộ trình là các nước thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO.
– Các mặt hàng phân phối phải không thuộc danh mục các mặt hàng cấm kinh doanh và danh mục hàng hóa không được quyền phân phối theo điều ước quốc tế; và phải phân phối theo lộ trình cam kết của điều ước quốc tế nếu thuộc danh mục hàng hóa có lộ trình phân phối;
– Phạm vi phân phối: bán buôn và bán lẻ, Doanh nghiệp bán buôn có thể thành lập cơ sở bán buôn; doanh nghiệp bán lẻ có thể thành lập một hoặc nhiều cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch của tỉnh, thành phố nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ.
– Được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản về việc đủ điều kiện và cho phép thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam.
3. Quy trình xin giấy phép thành lập Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối là gì?
Lĩnh vực phân phối là lĩnh vực đầu tư có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, thuộc vào lĩnh vực thực hiện theo thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tùy vào mặt hàng phân phối của Nhà Đầu tư, sau khi Sở kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, hồ sơ sẽ được gửi xin ý kiến thẩm tra tại các Bộ, Sở chuyên ngành tương ứng, trong đó, việc được phép thực hiện hoạt động phân phối hay không sẽ phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Công thương sau khi rà soát các điều kiện của nhà đầu tư.
Do đó, trong hồ sơ xin Cấp giấy chứng nhận đầu tư, ngoài các tài liệu thông thường, Nhà đầu phải nộp kèm các giấy tờ sau:
– Bản giải trình việc đáp ứng các điều kiện thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa;
– Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của Nhà đầu tư trong việc thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa.
Đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa, việc thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được xem xét trong từng trường hợp cụ thể căn cứ vào việc kiểm tra nhu cầu kinh tế của địa bàn nơi đặt cơ sở bán lẻ theo các tiêu chí: số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư và quy mô của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ.
Các doanh nghiệp đang hoạt động ở các lĩnh vực khác, có thể điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư bổ sung thêm lĩnh vực phân phối trong hoạt động kinh doanh của mình khi đáp ứng được các điều kiện nêu trên.
4. Mặt hàng được phép phân phối?
Khác với doanh nghiệp trong nước khi đăng ký ngành nghề kinh doanh phân phối, doanh nghiệp trong nước có thể đăng ký các hoạt động bán buôn chung là bán buôn các mặt hàng điện tử, máy vi tính, điện lạnh…, Các mặt hàng phân phối mà Doanh nghiệp nước ngoài thực hiện phải không thuộc danh mục cấm kinh doanh, danh mục hạn chế kinh doanh hoặc phải tuân theo lộ trình đối danh mục hàng hóa phân phối theo lộ trình. Ngoài ra, Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã tương ứng cho các mặt hàng dự kiến thực hiện hoạt động phân phối, và chỉ được phép thực hiện hoạt động phân phối cho các mặt hàng theo đúng mã đã đăng ký.
5. Thời gian cấp giấy phép?
Theo quy định: thời gian cấp giấy phép cho hoạt động phân phối là 33 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian có thể bị kéo dài tùy thuộc vào thời gian thẩm tra và lấy ý kiến tại các cơ quan chuyên môn.
Bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, ANT Lawyers đã hỗ trợ thành lập thành công nhiều Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động bán buôn, bán lẻ tại Việt Nam đến từ các nước: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Thái Lan, Hongkong, Singapore….