Đối tượng tham gia BHYT
Theo Luật BHYT sửa đổi, tất cả các thành viên trong gia đình phải tham gia BHYT, trừ những người đã tham gia BHYT theo hình thức khác.
Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Với đối tượng là người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, cư dân sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, sẽ được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa đến thời gian nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó.
Mức hưởng BHYT
Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;
100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau:
Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước.
Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2016.
Bên cạnh đó, quỹ BHYT nâng mức hưởng BHYT của người cận nghèo, thân nhân người có công từ mức 80% lên 95%, mức hưởng của cha mẹ, vợ, chồng, con liệt sĩ lên 100%…; các thân nhân khác của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cùng chi trả 5%.
Miễn chi trả cho người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế huyện. Mở thông tuyến chuyên môn, kỹ thuật trong khám chữa bệnh BHYT.
Mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT
Để đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định: Từ 1/1/2016, sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh.
Theo đó, người tham gia BHYT có đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở một trạm y tế xã hoặc một phòng khám đa khoa hoặc một bệnh viện huyện thì được quyền đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
Điều đó có nghĩa là việc khám, chữa bệnh BHYT người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn, không bị giới hạn bởi một cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng quy định.
ANT Lawyers là công ty luật cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý tại Việt Nam và hỗ trợ khách hàng Việt Nam cho các vụ việc tại các nước trong mạng lưới liên kết hơn 150 nước.
Liên hệ với chúng tôi qua email: luatsu@antlawyers.com