Đầu tư nước ngoài – thách thức đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Toàn cầu hóa là sự gia tăng các dòng chảy xuyên biên giới về con người, dịch vụ, vốn, thông tin và văn hóa. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là một trong những hoạt động kinh tế thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh hơn, tới mọi nơi trên toàn thế giới. Việt Nam đang đến ngưỡng cửa của hội nhập toàn diện không thể chỉ dừng lại ở việc tăng cường thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đầu tư ra ngước ngoài là một xu thế tất yếu, do đó các doanh nghiệp phải chủ động, tranh thủ thời cơ xâm nhập vào thị trường thế giới.

Các hình thức đầu tư nước ngoài bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp trong đó:

Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Thực chất đầu tư trực tiếp là loại hình đầu tư quốc tế mà chủ đầu tư bỏ vốn để xây dựng hoặc mua một phần, thậm trí toàn bộ cơ sở kinh doanh ở nước ngoài để làm chủ sở hữu toàn bộ hay một phần cơ sở đó. Trực tiếp quản lý điều hành hoặc tham gia quản lý điều hành hoạt động đối với đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư. Chịu trách nhiệm theo mức sở hữu về kết quả sản xuất kinh doanh của cơ sơ đó.

Các nhân tố tác động đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Các nhân tố từ Việt Nam như: nhận thức về tình hình quốc tế hóa nền kinh tế, hệ thống chính sách pháp luật và các hoạt động thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài. Các nhân tố từ nơi đầu tư gồm có: chính sách pháp luật; tình hình kinh tế, xã hội.

Những thách thức đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

– Xuất phát điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế trong nước còn quá thấp, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề…

– Quan niệm sai lầm nghĩ rằng khi nào nền Kinh tế thừa vốn mới tiến hành đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Tư duy phiến diện một chiều, nghĩ rằng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài gia tăng sẽ khiến đầu tư trong nước bị giảm sút, chảy máu ngoại tệ, giảm việc làm trong nước…

– Năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư quốc tế còn non kém, năng lực cạnh tranh tổng hợp của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp… khiến khả năng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa cao.

– Hiện nay hệ thống luật pháp về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của chúng ta tuy đã có nhưng thay đổi nhưng nó chưa thực sự tạo ra động lực cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Việc ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn các doanh nghiệp tiến hành đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chậm, thủ tục còn rườm rà không có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài hiện nay là vấn đề thủ tục: Quy trình thẩm định và đăng ký cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài còn một số bất cập như thời gian kéo dài, qua nhiều đầu mối, thiếu các qui định và chế tài cụ thể về quản lý dự án sau giấy phép dẫn đến việc quản lý các dự án sau giấy phép gặp nhiều khó khăn, thông tin không chính xác… Một số dự án thuộc diện đăng ký cấp phép đầu tư nhưng trong quá trình xử lý vẫn gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành làm kéo dài thời gian cấp phép. Mặc dù Nghị định đã qui định thời gian cấp phép đầu tư ra nước ngoài không quá 30 ngày, nhưng vẫn có dự án phải kéo dài đến cả năm, khiến cho doanh nghiệp lỡ mất cơ hội đầu tư.

– Hiện nay chúng ta vẫn chưa có bộ phận chuyên trách về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Chính phủ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính) trong việc quản lý các dự án đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế; chưa thành lập được các đoàn khảo sát tại chỗ để đánh giá sâu hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Mối quan hệ giữa cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài còn lỏng lẻo nên khi có vụ việc tranh chấp xảy ra sẽ không tranh thủ được tối đa sự hỗ trợ của nhà nước.

– Chưa có một website nối mạng quốc tế và các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc và toàn cầu để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài như: cung cấp thông tin thị trường; thông tin đối tác, cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh; thông tin về môi trường đầu tư; các dịch vụ xúc tiến thương mại;

Hãy liên hệ công ty ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com hoặc số Hotline để được tư vấn.