Di chúc chung của vợ chồng

Từ xưa đến nay, từ thực tiễn đến pháp lý, sau khi kết hôn, tài sản của vợ chồng được tạo lập thành đều được coi là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, cả hai vợ chồng đều cùng nhau định đoạt số tài sản của mình. Một trong các phương thức định đoạt tài sản hiện đang được pháp luật quy định đó là “di chúc chung của vợ chồng”. Quy định của Bộ Luật Dân sự được thi hành hơn 10 năm vừa tạo ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản vừa đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần thiết. Bộ Luật Dân sự 2015 sắp có hiệu lực, trong bài viết này, người viết xin bàn về vấn đề di chúc chung của vợ chồng.

Bất kỳ một cặp vợ chồng nào cũng có tài sản chung và tất yếu có nhu cầu cùng nhau định đoạt tài sản của mình. Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2005 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc định đoạt tài sản chung vợ chồng bằng quy định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”.

BLDS 2005 đã có những quy định đặc thù cho di chúc chung của vợ chồng, đó là quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung, việc sửa đổi bổ sung di chúc chung.

Nếu như quy định chung về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người để lại chúc chết, nói cách khác, thời điểm người để tài sản chết là thời điểm mở thừa kế. Kể từ thời điểm đó, những người thừa kế có quyền tự mình hoặc yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Điểm khác biệt của di chúc chung vợ, chồng, chỉ có hiệu lực khi bên sau cùng chết hoặc tại thời điểm hai vợ chồng cùng chết. Ở đây đã xảy ra sự không đồng nhất và đặt ra nhiều vấn đề.

Thứ nhất, quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung vợ chồng có trái với quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc hay không? Quy định như vậy đã hợp lý ngay chưa? Giả thiết khi hai vợ chồng cùng lập di chúc, người vợ chết trước, người chồng vẫn còn sống. Theo quy định của BLDS, di chúc chung chưa có hiệu lực pháp luật. Đồng nghĩa với việc những người thừa kế chưa được hưởng di sản thừa kế.

Thứ hai, khi gia đình gặp khó khăn về tài chính mà người chồng còn sống muốn bán tài sản chung để đảm bảo cho sinh hoạt của gia đình cũng không thể được, bởi nguyên tắc khi định đoạt tài sản chung phải có sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu, trong khi một bên đã chết không thể cho ý kiến.

Nếu như quy định về thừa kế theo di chúc cho phép người lập di chúc được sửa đổi, bổ sung di chúc không hạn chế số lần nhằm dự liệu những thay đổi về tài sản hoặc thay đổi về ý chí của chủ sở hữu trong khoảng thời gian di chúc chưa có hiệu lực. Di chúc chung của vợ chồng vẫn có thể được sửa đổi, bổ sung và phải có sự đồng ý từ cả hai vợ chồng việc sửa đổi, bổ sung mới có hiệu lực. Nói một cách dí dỏm, di chúc chung của vợ chồng như là tài sản chung của vợ chồng, việc sửa đổi, bổ sung phải được sự đồng ý từ cả hai vợ chồng. Điều này có hai điểm không hợp lý.

Một là, vi phạm quyền của người lập di chúc khi không được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ di chúc của mình.

Hai là, vi phạm quyền của chủ sở hữu tài sản trong việc định đoạt tài sản của họ.

Đối với di chúc chung của vợ, chồng, trường hợp một bên chết trước hoặc cả hai bên đều đang còn sống, nhưng có một bên muốn thay đổi việc định đoạt tài sản mà bên còn lại không đồng ý hoặc đã chết thì không thể sửa đổi, bổ sung di chúc được.

Đó là những vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn pháp lý về vấn đề di chúc chung của vợ chồng, BLDS 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2017 với quy định về thừa kế theo di chúc đã bỏ những điều luật về di chúc chung của vợ, chồng.

Việc BLDS 2015 bỏ những quy định về di chúc chung của vợ, chồng không đồng nghĩa với việc pháp luật Việt Nam không thừa nhận di chúc chung của vợ, chồng. BLDS 2015 đã đặt di chúc chung của vợ, chồng vào sự điều chỉnh chung của Chương XXII về Thừa kế theo di chúc. Các vấn đề về hiệu lực của di chúc chung, sửa đổi, bổ sung di chúc chung được áp dụng theo quy định chung về di chúc.

Đối với trường hợp di chúc chung của vợ, chồng có một bên chết trước, phần di chúc của người đó sẽ phát sinh hiệu lực pháp luật. Người còn lại vẫn có thể sửa đổi, bổ sung di chúc của mình.

Quan hệ pháp luật về thừa kế luôn là quan hệ phổ biến trong đời sống, do đó các quy định của pháp luật cần phải bám sát thực tiễn để điều chỉnh và dự liệu. BLDS 2015 với nhiều thay đổi lớn lao sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho các quan hệ pháp luật dân sự trong thời đại mới.

Hãy liên hệ với Luật sư lập di chúc để được tư vấn.

Click Below For English Version

English-speaking lawyers in Vietnam?

Related Posts

Lập di chúc chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật

Quy định về người lập di chúc

Điều kiện của một di chúc hợp pháp

For Clients Speaking English

ANT Lawyers law firm is a reliable law firm in Vietnam with English speaking lawyers in Ho Chi Minh City, Hanoi, Danang.