Thế nào là tội rửa tiền ở Việt Nam và các chế tài?

Tội phạm luôn tồn tại song song với sự phát triển của xã hội. Không thể loại bỏ được hết tội phạm mà chỉ có thể phòng, chống, ngăn chặn, giáo dục, tuyên truyền để giảm bớt.  Cùng với sự phát triển của kinh tế, công nghệ, tội phạm ngày càng trở nên phức tạp, khó nhận biết.  Hoạt động phạm tội rửa tiền cũng vì đó diễn ra ngày càng tinh vi khiến công tác kiểm soát, phát hiện gặp nhiều khó khăn. Rửa tiền không chỉ ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị mà còn đe dọa tới an ninh của quốc gia.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Trong đó, tài sản được hiểu là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.  

Không phải mọi hành vi liên quan đều phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan tới tội rửa tiền.    Chỉ những hành vi dưới đây sẽ được xem là hành vi rửa tiền:

·   Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

·   Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

·   Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

·   Thực hiện một trong ba hành vi trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

·   Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

·   Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Cơ quan thực thi pháp luật phải có bằng chứng xác đáng thu thập và điều tra đúng pháp luật để chứng minh hành vi phạm tội liên quan tới rửa tiền. Theo một số chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng là phải chứng minh được tội phạm nguồn để chứng minh tiền bẩn từ đó mà có.  Trong thực tế, việc chứng minh tội phạm nguồn là khó vì đòi hỏi sự hợp tác của hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia liên quan. 

Về chế tài đối với tội rửa tiền, nếu cá nhân phạm tội rửa tiền có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy theo mức độ vi phạm. Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Người chuẩn bị phạm tội này có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.  Trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Việc phòng chống tội phạm rửa tiền là việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan nhà nước, trong đó có ban chỉ đạo về phòng chống rửa tiền, cục phòng chống rửa tiền,  ngân hàng nhà nước.