Ban kiểm soát trong các công ty cổ phần nói chung và công ty đại chúng nói riêng đóng vai trò bảo vệ nhà đầu tư và giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Để có thể thực hiện chức năng giám sát, Ban kiểm soát cần phải độc lập trong việc thành lập và hoạt động của chính mình. Thông qua việc thực hiện chức năng của mình, Ban kiểm soát sẽ đảm bảo rằng các quyết định của công ty tuân thủ pháp luật và bảo vệ lợi ích của các cổ đông, đây là lý do cho sự ra đời, tồn tại và hoạt động của Ban kiểm soát. Tuy nhiên, việc không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại Ban kiểm soát là một trong các lỗi vi phạm hành chính phổ biến trong các công ty đại chúng.
Theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP, thành viên Ban kiểm soát của công ty đại chúng phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;
– Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
– Không được giữ các chức vụ quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
– Không được làm việc trong bộ phận kế toán, tài chính của công ty;
– Không được là thành viên hay nhân viên của công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty trong 03 năm liền trước đó.
Số lượng Kiểm soát viên ít nhất là 03 người và nhiều nhất là 05 người. Kiểm soát viên có thể không phải là cổ đông của công ty, do Đại hội đồng cổ đông bầu ra và chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông. Nhiệm vụ của Ban kiểm soát các công ty niêm yết được quy định chủ yếu trong Điều lệ và Quy chế quản trị công ty xây dựng theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong thực tế nhiệm vụ của Ban kiểm soát lại rất mờ nhạt và mang tính hình thức. Sự tồn tại của Ban kiểm soát thường hạn chế quyền lực của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, trong khi thành viên Ban kiểm soát thường đồng thời là nhân viên cấp thấp trong công ty và chịu sự quản lý của chính Hội đồng quản trị và Ban giám độc. Điều này vô hình chung dẫn tới thành viên Ban kiểm soát không giữ được sự độc lập khách quan trong công việc. Đồng thời, các cổ đông cũng chưa ý thức được hết tầm quan trọng của Ban kiểm soát trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP, quyền hạn của Ban kiểm soát gồm:
– Đề xuất và kiến nghị Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính của công ty;
– Chịu trách nhiệm trước cổ đông về hoạt động giám sát của mình;
– Giám sát tình hình tài chính công ty, tính hợp pháp trong các hoạt động của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), người quản lý khác, sự phối hợp hoạt động giữa Ban kiểm soát với Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) và cổ đông;
– Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm Điều lệ công ty của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) và người điều hành doanh nghiệp khác, phải thông báo bằng văn bản với Hội đồng quản trị trong vòng 48 giờ, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả;
– Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông.
Thực tế pháp luật trao quyền hạn cho Ban kiểm soát nhưng chưa có các biện pháp bảo đảm việc thực hiện các quyền hạn này. Do đó, việc vi phạm các quy định về thành lập Ban kiểm soát khá thường xuyên và không ít doanh nghiệp không đáp ứng các quy định này. Số lượng công ty đại chúng ngày càng tăng nhanh, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng tiếp cận các mô hình quản trị tiên tiến. Đặc biệt, việc áp dụng các cơ chế giám sát hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp vẫn còn khá xa lạ. Nếu không có những cơ chế như vậy sẽ khó bảo đảm sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật. Trong khi các cơ chế này nhằm vào giám sát tìm ra những bất cập trong hoạt động của công ty đại chúng – những công ty với rất nhiều cổ đông và có sự ảnh hưởng lớn trên thị trường.
Pháp luật có quy định chế tài xử phạt đối với những vi phạm về quản trị công ty đại chúng. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty đại chúng về ứng cử, đề cử, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát.