Để hiểu rõ hơn về các hình thức bảo hộ nhãn hiệu, bài viết sau xin đưa ra hai hình thức bảo hộ nhãn hiệu được pháp luật công nhận và cho phép như sau: bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu thông thường hoặc nhãn hiệu nổi tiếng.
Với nhãn hiệu thông thường :
Nhãn hiệu thường là các dấu hiệu như một từ, ngữ, hình ảnh, biểu tượng, logo hoặc sự kết hợp các yếu tố này được sử dụng trên hàng hóa hoặc dịch vụ, giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được các mặt hàng khác nhau trên thị trường. Chức năng phân biệt nguồn gốc hàng hóa và dịch vụ luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất của nhãn hiệu. Xuất phát từ chức năng này, việc bảo hộ nhãn hiệu không yêu cầu bảo hộ đối với tính mới, tính sáng tạo hay khả năng áp dụng công nghiệp. Đồng thời, việc phân phối, mua bán khiến hàng hóa, dịch vụ trở nên gần gũi với người tiêu dùng, không yêu cầu tính bí mật của nhãn hiệu. Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định tại Điều 72 Luật SHTT, gồm:
– Thứ nhất, nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Pháp luật Việt Nam hiện không bảo hộ các nhãn hiệu dạng âm thanh hoặc mùi hương do không nhìn thấy được, ngay cả khi âm thanh hoặc mùi hương đó có khả năng phân biệt cao. Một số dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt tự thân như: các biểu tượng, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ; các dấu hiệu chỉ địa điểm, nguồn gốc địa lý, phương pháp sản xuất hoặc các đặc tính mô tả hàng hoá, dịch vụ; các hình đơn giản, chữ số, chữ cái…
– Thứ hai, nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 74 Luật SHTT. Không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Cục Sở hữu công nghiệp hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hoá được coi là nổi tiếng.
Nhãn hiệu nổi tiếng :
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khác với nhãn hiệu thông thường, đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký, chỉ cần cần đã được sử dụng và nhận biết rộng rãi và đáp ứng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Điều 75 Luật SHTT, gồm:
(1) Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
(2) Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
(3) Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
(4) Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
(5) Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
(6) Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
(7) Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
(8) Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu. Đây là những tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét có bảo hộ một nhãn hiệu dưới hình thức nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Tính đến 17/11/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike, Petrolimex, Phạm và Liên Danh.
Cơ quan có thẩm quyền công nhân nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Điểm 42.4 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 05/2013/TT-BKHCN quy định: “Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ”. Như vậy, để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, một nhãn hiệu phải đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT. Hai cơ quan có thẩm quyền công nhận một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng là: Cơ quan tố tụng dân sự và Cục Sở hữu trí tuệ.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác định trên cơ sở nhãn hiệu đó đã được cấp văn bằng bảo hộ hoặc có được sự công nhận của cơ quan có thẩm quyền. Ngày nay, tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu đã và đang đạt được nhận thức từ chính các doanh nghiệp, các chủ sở hữu nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình.