Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, các quan hệ pháp luật cũng phát triển mạnh mẽ, vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Từ đó, các văn bản pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được ban hành, các đương sự có nhu cầu sử dụng rộng rãi để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin đề cập đến vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định/bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam theo quy định mới nhất của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
1. Khái niệm công nhận và cho thi hành
Theo Từ điển Luật học, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là việc thừa nhận và cho phép thi hành bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định dân sự về hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài theo những nguyên tắc và trình tự pháp lý nhất định.
2. Phạm vi quyết định/bản án của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam.
a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.
Có thể nói, phạm vi các quyết định/bản án dân sự nêu trên đã bao quát được các quan hệ pháp luật dân sự trong đời sống pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, việc xem xét công nhận và cho thi hành phải dựa trên các nguyên tắc sau đây:
– Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này;
– Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành;
– Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cũng có thể được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải lý kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó;
– Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành;
– Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận thì đương nhiên được công nhận tại Việt Nam theo điều ước quốc tế Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;
– Tòa án Việt Nam chỉ xem xét việc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam khi có đơn yêu cầu không công nhận;
– Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu việc công nhận và cho thi hành đó trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và trật tự công cộng.
3. Thủ tục công nhận và cho thi hành quyết đinh/bản án dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
3.1. Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành
Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó.
3.2. Cơ quan có thẩm quyền xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là Bộ Tư pháp – đối với trường hợp Việt Nam và quốc gia có Tòa án đã ra bản án, quyết định dân sự cùng tham gia điều ước quốc tế; Tòa án nhân dân trong trường hợp Việt Nam và quốc gia có Tòa án đã ra bản án, quyết định dân sự chưa cùng tham gia điều ước quốc tế.
Bộ Tư pháp có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành nhưng không có thẩm quyền xem xét chấp nhận đơn. Trường hợp Bộ Tư pháp nhận được đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành thì trong thời hạn 05 ngày làm kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền.
3.3. Trình tự, thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành
Bước 1: Gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành cùng các tài liệu kèm theo
Bước 2: Thụ lý hồ sơ
Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Bước 4: Mở phiên họp xét đơn yêu cầu
Bước 5: Gửi quyết định của Tòa án
Hãy liên hệ công ty luật ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com hoặc gọi số Hotline để được tư vấn.