Điểm Mới Nghị Định 52/2024/NĐ-CP

Điểm mới của Nghị định 52/2024/NĐ-CP

Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Đây là một văn bản pháp lý quan trọng trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức và cá nhân liên quan. Nghị định này tạo ra khuôn khổ pháp lý cơ bản và vững chắc cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.

Nghị định mới bao gồm 7 Chương và 38 Điều, chú trọng tính khả thi, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển các dịch vụ và sản phẩm thanh toán an toàn, hiện đại. Đồng thời, nó kế thừa những nội dung phù hợp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả, khắc phục một số hạn chế của Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Một số chính sách quan trọng đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 52/2024/NĐ-CP như sau:

Thứ nhất, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP bổ sung quy định về tiền điện tử (e-money), bao gồm định nghĩa, bản chất, và các hình thức tiền điện tử như ví điện tử và thẻ trả trước (Điều 3, Điều 6). Đối tượng cung ứng tiền điện tử gồm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử sẽ góp phần ngăn ngừa và loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017. Đồng thời, nghị định cũng bổ sung các quy định về để làm rõ khái niệm về thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế tại Điều 3, Điều 4, Điều 5. Các quy định về thanh toán quốc tế tại Nghị định 54/2024/NĐ-CP đã nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán quốc tế và đẩy mạnh các mô hình hợp tác cung ứng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ thanh toán đối với thương mại điện tử ngày càng gia tăng.

Thứ hai, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP đã có những quy định mới về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tuân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các quy định pháp luật liên quan. Trong quá trình theo dõi việc thực thi các quy định pháp luật về tài khoản thanh toán, nghị định cũng quy định việc đóng tài khoản thanh toán trong các trường hợp như chủ tài khoản có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, chủ tài khoản là cá nhân bị chết hoặc bị tuyên bố đã chết, tổ chức chấm dứt hoạt động, vi phạm hành vi bị cấm, hoặc theo thỏa thuận trước. Khi tài khoản bị đóng mà vẫn còn số dư, việc chi trả được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc theo thỏa thuận trước, hoặc theo quy định pháp luật đối với trường hợp chủ tài khoản là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người thừa kế hợp pháp. Nghị định cũng bổ sung quy định về dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật Đầu tư năm 2020, quy định cụ thể về phạm vi các chủ thể được cung ứng, điều kiện và hồ sơ, quy trình, thủ tục để được NHNN chấp thuận hoặc thu hồi văn bản về hoạt động này.

Thứ ba, Nghị định 52/2024/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để phù hợp nhu cầu thực tiễn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Cụ thể, nghị định đã cắt giảm các dịch vụ trung gian thanh toán cấp phép (loại bỏ 1 dịch vụ là dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử không thuộc phạm vi dịch vụ trung gian thanh toán); cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát các điều kiện kinh doanh; sửa đổi, bổ sung chi tiết và làm rõ các nội dung, quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi, cấp lại giấy phép làm căn cứ để quản lý và tổ chức triển khai; bổ sung các nguyên tắc làm cơ sở để NHNN thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được NHNN cấp giấy phép. Đồng thời, nghị định cũng bổ sung một số quy định về tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia và quy định về giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; bổ sung rõ hơn chức năng giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và dịch vụ thanh toán (Điều 4, Điều 33-35); bổ sung một số quy định chuyển tiếp hướng dẫn chi tiết đối với các trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính đã tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế; các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và việc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng (Điều 36).

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP đã thiết lập một khung pháp lý toàn diện, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Sự bổ sung và cải tiến các quy định về tiền điện tử, thanh toán quốc tế, tài khoản thanh toán của khách hàng, và dịch vụ trung gian thanh toán đều nhằm mục tiêu tăng cường sự minh bạch, an toàn và hiệu quả trong hệ thống thanh toán quốc gia. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế mà còn góp phần đáng kể vào quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với những chính sách và quy định mới, Nghị định 52/2024/NĐ-CP kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, và hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)

Là công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.