Ngày 30/12/2020, Nghị định 152/2020/NĐ-CP được ban hành quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định 152 đã xác định rõ các hình thức và điều kiện để người lao động nước ngoài đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam, đồng thời quy định về điều kiện được miễn giấy phép lao động, tuyển dụng người lao động nước ngoài, gia hạn và cấp lại giấy phép lao động.
Theo quy định hiện hành, công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau: Thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam; thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Liên quan đến điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Nghị định 152 có nhiều điểm mới đáng chú ý, theo khoản 3 Điều 3 của Nghị định này, người lao động nước ngoài là chuyên gia muốn làm việc tại Việt Nam thì phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam hoặc người lao động nước ngoài là chuyên gia phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Có nhiều ý kiến cho rằng quy định này khiến nhiều chuyên gia nước ngoài khó có thể vào Việt Nam làm việc vì trên thực tế có rất nhiều người giàu kinh nghiệm nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp.
Các chuyên gia nước ngoài, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc kỹ thuật viên nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong khoảng thời gian tối đa 30 ngày và không quá 03 lần trong một năm có thể được miễn giấy phép lao động. Các trường hợp thuộc diện được miễn giấy phép lao động (hoặc có giấy xác nhận được miễn giấy phép lao động) phải thông báo cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thông tin cá nhân của người lao động nước ngoài và ngày bắt đầu/kết thúc làm việc dự kiến, ít nhất ba ngày trước ngày làm việc dự kiến đầu tiên tại Việt Nam.
Ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động cũng phải báo cáo trước ít nhất 30 ngày.