Trong thực tiễn cuộc sống nhiều cặp vợ chồng khi kết hôn sức khỏe đều bình thường nhưng trong thời gian tồn tại hôn nhân do bị ốm đau hoặc tai nạn dẫn đến bị bệnh tâm thần…Hoặc bị một bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình, đã có thời gian dài điều trị bệnh nhưng không khỏi.
Từ nhu cầu thực tế của cuộc sống cần giải quyết ly hôn và việc yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn có thể xảy ra hai trường hợp: Một bên vợ (chồng) của người bị bệnh tâm thần yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Bên người bị bệnh tâm thần cần phải giải quyết ly hôn vì lúc này người bị bệnh tâm thần cuộc sống của họ phải nhờ vào người khác (mà một bên vợ hoặc chồng không có trách nhiệm) do đó họ cần được chia tài sản chung để đảm bảo cho cuộc sống của họ.
Về căn cứ cho ly hôn được quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình Tòa án căn cứ để giải quyết như sau: “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, thì Tòa án quyết định cho ly hôn”. Nhưng chúng ta biết rằng người bị bệnh tâm thần là người không có khả năng nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình. Do đó khi có một bên có yêu cầu ly hôn thì có thể giải quyết ly hôn thông qua một trong các thủ tục sau:
Thông qua người đại diện: Tại khoản 3 Điều 73 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: “…đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”. Đối với người bị bệnh tâm thần họ không có khả năng nhận thức nên họ không biết gì về ly hôn, cũng không biết gì về uỷ quyền và họ cũng không thể thực hiện được việc uỷ quyền. Do đó không thể thực hiện được thủ tục đại diện để giải quyết việc ly hôn đối với người bị bệnh tâm thần.
Thông qua người giám hộ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Bộ luật Dân sự (BLDS) thì: “Người được giám hộ bao gồm:… “Người mất năng lực hành vi dân sự”. Người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 22 BLDS: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc do bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở của tổ chức giám định”.
Mặt khác trong BLTTDS cũng như Luật Hôn nhân và gia đình không quy định Tòa án được giải quyết ly hôn đối với người bị bệnh tâm thần nhưng tại Điều 182 BLTTDS có quy định về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được. Khoản 3 điều luật này quy định: “Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự”. Khoản 3 Điều 182 BLTTDS quy định về trường hợp không tiến hành hòa giải được, tức là việc ly hôn của người bị bệnh tâm thần được giải quyết theo thủ tục tố tụng của BLTTDS.
Như vậy khi giải quyết ly hôn với một người bị bệnh tâm thần thì được giải quyết theo thủ tục có người giám hộ sau khi người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không nhận thức làm chủ hành vi của mình được Tòa án quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự có hiệu lực pháp luật.
Khi một người đã mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ đương nhiên là người vợ hoặc chồng theo khoản 1 Điều 62 BLDS “Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vị dân sự thì người vợ là người giám hộ”. Hoặc theo khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình quy định “Vợ chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó”. Song nếu để vợ hoặc chồng người bệnh làm người giám hộ thì không đảm bảo công bằng vì quyền lợi đối lập nhau, lúc này người vợ hoặc chồng làm thủ tục xin ly hôn có hai tư cách: Vừa là nguyên đơn vừa là người giám hộ, đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự (bị đơn). Đây là trường hợp không được tồn tại trong một vụ án vì quyền lợi hai bên rõ ràng là đối lập nhau (khoản 1 Điều 75 BLTTDS). Mặt khác, việc cử người khác giám hộ chỉ được thực hiện khi không có người giám hộ đương nhiên (Điều 63 BLDS), ở đây chúng ta chưa nói đến vấn đề ly hôn là một quyền nhân thân, phải do chính họ thực hiện không thể chuyển giao cho người khác (Điều 24 BLDS).
Vậy ai sẽ đóng vai trò là người đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự trong trường hợp đặc biệt này? Theo chúng tôi, khi Tòa án đã thụ lý vụ án ly hôn theo yêu cầu của người vợ hoặc chồng với người mất năng lực hành vi dân sự thì căn cứ vào Điều 76 BLTTDS, Tòa án sẽ chỉ định người đại diện: “Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 75 của bộ luật này thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng tại Tòa án”. Vấn đề là sau đó Tòa nên chỉ định người đại diện là những người có mối liên hệ thân thích với người bệnh để làm sao bảo vệ được tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho người bệnh.
Ly hôn trong trường hợp người bị bệnh tâm thần là người khởi kiện: Vấn đề đặt ra ở đây người bị bệnh không phải là chấm dứt hôn nhân vì họ đã bị bệnh tâm thần nên không có khả năng nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình nên họ không thể biết việc ly hôn là thế nào, cuộc sống của họ hoàn toàn lệ thuộc vào người khác nên việc giải quyết ly hôn là để được giải quyết phần tài sản chung của vợ chồng nhằm đáp ứng cuộc sống của họ (Vì trong thực tế có một số trường hợp khi một bên bị bệnh tâm thần thì phía bên vợ hoặc bên chồng bình thường không quan tâm, không có trách nhiệm gì hoặc đối xử không tốt với người chồng hoặc người vợ mất năng lực hành vi dân sự và có thể họ còn khai thác tài sản chung của vợ chồng cho những lợi ích riêng của riêng mình).
Việc giải quyết ly hôn của họ ở đây sẽ được thông qua người giám hộ, đại diện như trường hợp trên, người bị bệnh tâm thần là nguyên đơn do người đại diện thực hiện.
Về chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 BLTTDS: “Tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”. Vậy người đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự có thể đại diện cho họ để khởi kiện chia tài sản chung theo thủ tục người đại diện, vì ở đây không giải quyết về hôn nhân nên không liên quan đến quyền nhân thân (mà họ không được chuyển giao), Tòa án chỉ giải quyết về việc chia tài sản chung, thực hiện thông qua người đại diện và để tránh xung đột, đối lập về quyền lợi thì Tòa án có thể chỉ định người đại diện theo quy định tại khoản 3 Điều 141 BLTTDS. Việc giải quyết vụ án về tranh chấp tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được giải quyết theo thủ tục chung được quy định ở BLTTDS mà vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự.
Trên đây là một số ý kiến xuất phát từ thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTDS và các quy định liên quan trong việc giải quyết vụ việc ly hôn mà một bên mắc bệnh tâm thần và chúng tôi xin được chia sẻ với bạn đọc và các đồng nghiệp.