Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Giao dịch điện tử gồm các giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Ngày nay, trong thời đại 4.0 giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Các luật chuyên ngành sửa đổi, các luật mới ban hành có liên quan đến giao dịch điện tử như Luật An toàn thông tin mạng 2015 và mới đây nhất là Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng yêu cầu phải điều chỉnh các văn bản quy định cũ về giao dịch điện tử để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/02/2018, giải quyết vướng mắc về áp dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được mở rộng trong các lĩnh vực: Tài chính (ngân sách Nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách Nhà nước, dự trữ Nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính Nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; dịch vụ tài chính.

Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc thủ tục hành chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau:

– Chứng từ điện tử được ký số bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

– Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn chứng từ điện tử trong quá trình truyền gửi, nhận, lưu trữ trên hệ thống; ghi nhận cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan đã tham gia xử lý chứng từ điện tử và áp dụng một trong các biện pháp sau để xác thực cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan tham gia xử lý chứng từ điện tử: xác thực bằng chứng thư số, xác thực bằng sinh trắc học, xác thực từ hai yếu tổ trở lên trong đó có yếu tố là mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên.

– Biện pháp khác mà các bên tham gia giao dịch thống nhất lựa chọn, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật giao dịch điện tử.

Về phương thức chuyển đổi, chứng từ giấy được chuyển thành điện tử bằng hình thức sao chụp và chuyển thành tệp tin trên hệ thống thông tin, hoặc nội dung của chứng từ giấy được chuyển thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin. Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy phải đáp ứng các điều kiện: Phản ánh đầy đủ nội dung của chứng từ giấy; cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức thực hiện (hoặc chịu trách nhiệm) việc chuyển đổi chứng từ giấy thành chứng từ điện tử ký số trên chứng từ điện tử sau khi được chuyển đổi từ chứng từ giấy hoặc được xác thực bằng một trong các biện pháp xác thực quy định nêu trên.

Các văn bản quy phạm điều chỉnh giao dịch điện tử đang ngày càng hoàn thiện đáp ứng đời sống. Ngay cả các hoạt động tài chính nhà nước cũng đang tiến tới giao dịch điện tử nhằm cải cách thủ tục hành chính thuận tiện cho chính các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Đây là một trong những mắt xích giúp thương mại điện tử phát triển khi đồng bộ hóa các văn bản pháp luật điều chỉnh mọi mặt hoạt động của các doanh nghiệp.