Luật cạnh tranh 2018 được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2019. Luật cạnh tranh 2018 có những thay đổi cơ bản so với Luật cạnh tranh 2004, theo đó có những quy định mới mà các doanh nghiệp cần biết, đặc biệt liên quan tới các giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Thứ nhất, Luật cạnh tranh 2018 đã bỏ quy định về giới hạn của hành vi tập trung kinh tế. Theo đó, Điều 30 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Khác với quy định trước đây, Luật cạnh tranh 2004 quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.
Thứ hai, quy định chính sách khoan hồng với doanh nghiệp vi phạm. Điều 112 của Luật này quy định về chính sách khoan hồng đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh – điều mà Luật Cạnh tranh 2004 không đề cập tới. Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm sẽ được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng. Chính sách khoan hồng được áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Thứ ba, ấn định mức xử phạt cụ thể với hành vi phạm về cạnh tranh. Khác với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Trong đó:
– Vi phạm quy định về tập trung kinh tế: Phạt tối đa 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp trên thị trường liên quan
– Vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh: Phạt tối đa 2 tỷ đồng
– Vi phạm quy định khác: Phạt tối đa 200 triệu đồng.
Trên đây là mức vi phạm với tổ chức; với cá nhân, mức phạt bằng 1/2.
Thứ tư, thay đổi về căn cứ để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Trước đây, Luật Cạnh tranh 2004 quy định: Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Hiện nay, Luật Cạnh tranh 2018 không quy định cụ thể như trên, mà chỉ quy định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào 1 trong 4 tiêu chí:
– Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
– Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
– Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;
– Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
Thứ năm, quy định mới thời hạn xử lý vụ việc vi phạm về cạnh tranh. Trước đây, để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm tập trung kinh tế phải trải qua giai đoạn điều tra sơ bộ và điều tra chính thức. Trong đó, điều tra sơ bộ là 30 ngày; điều tra chính thức là 60 ngày với cạnh tranh không lành mạnh; 180 ngày với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế… Luật Cạnh tranh 2018 không còn quy định về hai giai đoạn điều tra nêu trên, mà chỉ quy định: Thời hạn điều tra là 09 tháng đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh; 90 ngày với vụ việc tập trung kinh tế; 60 ngày với cạnh tranh không lành mạnh.