Ngày 12/06/2018, Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 thay thế cho Luật cạnh tranh 2004, gồm 10 Chương và 118 Điều. Luật 2018 đã bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn qua 14 năm thi hành Luật Cạnh tranh 2004, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Về quản lý nhà nước, Luật Cạnh tranh 2018 trao thẩm quyền cho Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh (trước đây là Bộ Thương mại); quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan quản lý cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2004, bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là một cơ quan vừa thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh nhưng cũng đồng thời thực thi hoạt động tố tụng điều tra, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Một trong những nội dung đáng chú ý, Luật Cạnh tranh 2018 cũng thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đế tập trung kinh tế khi bãi bỏ hành vi tập trung kinh tế ra khỏi khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh và thừa nhận tập trung kinh tế là quyền của doanh nghiệp. Do đó, luật không cấm tập trung kinh tế dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như quy định tại Luật Cạnh tranh 2004. Ngược lại, Luật Cạnh tranh 2018 chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Thị phần chỉ là một trong các yếu tố được xem xét khi quyết định đồng ý hay không đồng ý một vụ việc tập trung kinh tế. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chịu trách nhiệm đánh giá hành vi tập trung kinh tế dựa theo các tiêu chí quy định tại Điều 31, 32 Luật Cạnh tranh 2018. Tác động tiêu cực vá tích cực đồng thời được đưa ra đánh giá. Nếu vụ việc chỉ có tác động tích cực thì không cản trở. Nếu có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực thì Ủy ban có thể vẫn cho phép tiến hành tập trung kinh tế, nhưng kèm theo một số điều kiện để hạn chế tác động tiêu cực. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với quy định của Luật Cạnh tranh 2004 cấm toàn bộ tập trung kinh tế dựa trên thị phần.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Trước đây với Luật Cạnh tranh 2004, khi xác định vị trí của một doanh nghiệp trên thị trường có phải là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay không thì chỉ dựa vào tiêu chí thị phần trên thị trường chiếm trên 30%. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường có thị phần chưa tới 30% nhưng vẫn có một sức mạnh thị trường đáng kể và vẫn có thể can thiệp vào thị trường dưới nhiều hình thức. Do đó Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường, kể cả những doanh nghiệp có thị phần dưới 30% thì cơ quan cạnh tranh sẽ đánh giá xem rằng liệu doanh nghiệp có vị trí sức mạnh thị trường hay không. Pháp luật không cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay thậm chí là vị trí độc quyền. Tuy nhiên nếu như doanh nghiệp lạm dụng vị trí đó để thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành manh thì hành vi đó sẽ bị cấm. Chính vì vậy việc xác định vị trí của doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp như thế nào trên thị trường là điều kiện tiên quyết để xem xét các hành vi cạnh tranh của họ có bị coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền bị cấm hay không.
Luât Cạnh tranh 2018 có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.