Một số văn bản pháp luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/5/2013

1. Bộ luật lao động 2012: Theo nội dung của Bộ luật, thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là 06 tháng thay vì 04 tháng như trước kia. Ngoài ra, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong 5 ngày tết âm lịch (theo quy định cũ chỉ được nghỉ 4 ngày). Bộ luật lao động mới cũng quy định tiền lương thử việc tối thiểu phải bằng ít nhất 85% mức lương của công việc chính thức; người lao động không được làm thêm quá 30h/tháng và 200h/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 05 năm 2013. Bộ luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 35/2002/QH10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 74/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 84/2007/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.

2. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012: Luật đề cập đến các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá…; chính sách hỗ trợ người hút thuốc cai nghiện và các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá. Ngòai ra, luật cũng quy định các hành vi bị cấm như: người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá….. Đồng thời, một số địa điểm công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn như: Cơ sở y tế; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao….

3. Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT: Theo đó, việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải có đầy đủ các nội dung: tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; xuất xứ hàng hoá (đối với thuốc lá nhập khẩu); định lượng của hàng hóa; cảnh báo sức khỏe; dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ngày sản xuất; ngày hết hạn sử dụng. Nhãn thuốc lá phải được ghi bằng tiếng Việt, không được sử dụng các hình thức hoặc từ ngữ tạo cho người tiêu dùng hiểu sai về tính chất, tác động của thuốc lá đối với sức khỏe. trên vỏ bao thuốc lá phải in hình ảnh cảnh báo các nguy hại đến sức khỏe với diện tích tối thiểu 50% bề mặt trước và sau trên mỗi bao bì của thuốc lá, Trước đây chỉ quy định là 30%. Các mẫu cảnh báo sức khỏe được ban hành tại Phụ lục kèm theo Thông tư và phải được thay đổi định kỳ 02 năm một lần. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013; bãi bỏ các quy định về ghi nhãn, in cảnh báo trên bao bì thuốc lá tại Quyết định số 02/2007/QĐ-BYT ngày 15/01/2007

4. Thông tư 43/2012/TT-BGTVT: Theo nội dung thông tư, ngoài các quy định về an toàn kỹ thuật, về trang bị an toàn được quy định như sau:

Số lượng và bố trí trang bị cứu sinh của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải thỏa mãn các yêu cầu theo các quy định dưới đây:

a) Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm phải trang bị phao áo cứu sinh đủ cho 200% số người trên tàu, trong đó 100% số phao được bố trí trong các buồng ngủ và 100% số phao còn lại bố trí trong phòng ăn, phòng bar, tại nơi làm việc một cách phù hợp. Ngoài ra phải trang bị thêm số lượng phao cho trẻ em bằng 10% số lượng khách. Số lượng phao tròn tối thiểu là 8 chiếc, trong đó 4 chiếc có dây ném; mỗi mạn bố trí 04 chiếc, trong đó, 2 chiếc có dây ném. Dụng cụ nổi phải bố trí đủ cho 100% số người trên tàu.

b) Nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị phao áo cứu sinh đủ cho 100% số người trên tàu và được bố trí trong phòng ngủ, phòng ăn, phòng bar một cách phù hợp. Số phao trẻ em là 30% số lượng khách, số lượng phao tròn tối thiểu là 8 chiếc, trong đó 4 chiếc có dây ném; mỗi mạn bố trí 04 chiếc, trong đó, 2 chiếc có dây ném.

Ngoài ra, còn có các quy định an toàn về: Tín hiệu giao thông; Trang bị hàng giang; Trang bị cứu đắm; Trang bị các buồng; Trang bị bảo vệ thuyền viên, hành khách ….

5. Thông tư 203/2012/TT-BTC: Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam. Hồ sơ đề nghị cấp GCN đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đầy đủ các giấy tờ như trong Thông tư quy định và nộp về Bộ Tài chính. Sau 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Bộ sẽ xem xét cấp GCN cho người nộp hồ sơ.

6. Thông tư 29/2013/TT-BTC: Theo nội dung thông tư, số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích, phân bổ và quản lý, sử dụng như sau: Dành 40% số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được để lại Quỹ tích lũy trả nợ; 60% còn lại được sử dụng để chi theo quy định. Ngoài ra, còn có quy định về nội dung sử dụng kinh phí: Chi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công theo các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt (bao gồm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nợ công, chi ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nợ công, gồm: trang bị thiết bị phần cứng; xây dựng, triển khai phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ công và các dự án công nghệ thông tin khác phục vụ công tác quản lý nợ công) ….

7. Thông tư số 07/2013/TT-BYT: Theo thông tư, Bộ y tế yêu cầu nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em phải hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 06 tháng trở lên.

Bãi bỏ Thông tư số 39/2010/TT-BYT ngày 10 tháng 9 năm 2010 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

8. Thông tư 06/2013/TT-BTTTT: Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm gửi Báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng công nghệ thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 01/02 hàng năm. Báo cáo phải thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, nếu dùng văn bản giấy phải có dấu và chữ ký của Thủ trưởng cơ quan báo cáo.