Phân biệt hòa giải tiền tố tụng và trong tố tụng

Trong quá trình Giải quyết tranh chấp, hòa giải là một giai đoạn không thể thiếu. Trước hết, xuất phát từ thiện chí giải quyết tranh chấp, các chủ thể đã tự mình thực hiện thương lượng, hòa giải. Đây là hòa giải ngoài tố tụng, không có tính chất cưỡng chế. Sau đó, trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp, hòa giải là một giai đoạn bắt buộc phải thực hiện. Khi không hòa giải được mới tiến đến mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Trong bài viết này, người viết xin làm rõ về hai giai đoạn hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng.

Hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng

1. Hòa giải tiền tố tụng.

Trong tiếng Hán việt, “tiền” có nghĩa là trước. Tiền tố tụng là các hoạt động diễn ra trước các giai đoạn tố tụng, có hoặc không bắt buộc. Nhưng phải được thực hiện và có kết quả trước khi có đơn khởi kiện.

Hòa giải tiền tố tụng có thể là hoạt động bắt buộc hoặc không bắt buộc, tùy thuộc vào từng loại tranh chấp do pháp luật chuyên ngành quy định.

1.1. Hòa giải tiền tố tụng là hoạt động bắt buộc.

Đó là khi tranh chấp phát sinh và bên yêu cầu giải quyết tranh chấp phải gửi đơn yêu cầu hòa giải đến cơ quan được trao quyền hòa trong thời hạn luật định. Cơ quan tiến hành hòa giải, thời gian gửi đơn yêu cầu, thời gian thực hiện hòa giải, thành phần phiên hòa giải, kết quả của hòa giải đều được tuân thủ theo quy trình chặt chẽ của pháp luật tố tụng.

Đối với các trường hợp luật định, các chủ thể phải thông qua hòa giải tại cơ quan hòa giải, sau đó mới được tiếp tục gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Có thể nói, đã thực hiện thủ tục hòa giải tiền tố tụng bắt buộc là một trong những điều kiện thụ lý đơn khởi kiện pháp luật tố tụng đã đề ra.

Thông thường, các trường hợp sau hòa giải tiền tố tụng bắt buộc, các chủ thể có đơn khởi kiện đến Tòa án gồm có:

– Hòa giải viên trong thời gian luật định đã không tiến hành hòa giải;

– Vụ việc không thực hiện hòa giải được hoặc hòa giải không thành;

– Hòa giải thành nhưng có một bên hoặc cả hai bên không tuân thủ kết quả hòa giải.

Một số loại tranh chấp pháp luật buộc phải thông qua thủ tục hòa giải tiền tố tụng: tranh chấp lao động; tranh chấp về quyền sử dụng đất…

1.2. Hòa giải tiền tố tụng không bắt buộc.

Đó là khi phiên hòa giải được thực hiện dựa trên sự thiện chí, tự nguyện của các bên trong tranh chấp. Khác với hòa giải tiền tố tụng bắt buộc, các bên trong tranh chấp được tự mình lựa chọn hòa giải viên, quyết định quy trình cũng như thành phần tham gia phiên hòa giải. Kết quả hòa giải cũng là sự thỏa thuận của các bên, Hòa giải viên chỉ chứng kiến và ghi nhận thỏa thuận của các bên. Kết quả hòa giải được thực hiện dựa trên thiện chí của các bên mà không hề có bắt buộc thi hành.

Hòa giải ngoài tố tụng có thể được tiến hành vào bất kỳ một giai đoạn, thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tạo thuận lợi lớn cho các bên có quyền định đoạt quyền lợi của mình.

2. Hòa giải trong tố tụng.

Hòa giải trong tố tụng có các đặc điểm sau:

– Có tính chất bắt buộc phải thực hiện hòa giải;

– Do Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện;

– Chỉ được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử;

– Kết quả hòa giải có tính chất bắt buộc thi hành, có giá trị pháp lý.

Tất cả mọi tranh chấp được giải quyết tại Tòa án đều phải trải qua thủ tục hòa giải nằm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Kết quả của hòa giải có thể dẫn đến việc mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, cũng có thể dẫn đến một quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của nguyên đơn.

Hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử được tiến hành dựa trên nguyên tắc sau:

Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Do chịu sự điều chỉnh của pháp luật tố tụng, nên có một số trường hợp pháp luật không cho phép tiến hành hòa giải, gồm có:

Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Ý nghĩa của hòa giải luôn là tôn trọng sự định đoạt của các chủ thể, giảm áp lực giải quyết cho các Tòa án, vì vậy, pháp luật luôn khuyến khích các chủ thể tự giải quyết tranh chấp.