Bảo hiểm xã hội (“BHXH”) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động (“NLĐ”) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Mức đóng và mức hưởng BHXH được nhà nước tính dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản đó là:
(i) Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH;
(ii) Mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung;
(iii) Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH;
(iv) Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần của BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHTN;
(v) Việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH.
Về vấn đề BHXH trong mối quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động (“NSDLĐ”), NLĐ luôn muốn được chủ doanh nghiệp thực hiện việc đóng bảo hiểm nhằm ổn định cuộc sống và trợ giúp NLĐ khi gặp rủi ro. Tuy nhiên, phân bổ các khoản thu nhập thế nào đề giảm bớt tiền đóng bảo hiểm, tối đa hóa các khoản thu để nhận lại nhiều lợi ích nhất là vấn đề hiện nay rất nhiểu NLĐ quan tâm. Phân bổ thu nhập NLĐ không phải do tự ý chí của chủ doanh nghiệp mả phải dựa trên quy định pháp luật, phù hợp với thực tế để đảm bảo được quyền lợi chính đáng của NLĐ. Mọi hành vi “lách luật” phân bổ thu nhập không đúng thực tế và pháp luật sẽ dẫn đến nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng BHXH theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017), đó là có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Để phân bổ thu nhập thì vấn đề cần quan tâm ở đây đó là những khoản nào phải đóng BHXH và những khoản nào không tính đóng bảo hiểm xã hội. Căn cứ vào Luật BHXH 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan, thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc gồm 10 khoản đó là: Tiền lương; Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút; Các phụ cấp có tính chất tương tự; Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Ngoài ra, các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm 15 khoản đó là: Tiền thưởng; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Khoản hỗ trợ xăng xe; Khoản hỗ trợ điện thoại; Khoản hỗ trợ đi lại; Khoản hỗ trợ tiền nhà ở; Khoản hỗ trợ tiền giữ trẻ; Khoản hỗ trợ nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết; Hỗ trợ khi người lao động có người thân kết hôn; Hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động; Trợ cấp khi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động; Trợ cấp khi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. Dựa vào các khoản đã được phân loại nói trên mà kế toán của doanh nghiệp sẽ phân bổ từng loại thu nhập của NLĐ một cách hợp lý. Tránh trường hợp khoản không phải đóng BHXH lại tính vào khoản bắt buộc phải đóng BHXH và ngược lại, sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của cả hai bên đó là NLĐ và NSDLĐ.