Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngày 28/ 12/ 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 45/2018/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng nhận tài sản bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh, bên cho vay, Quỹ bảo lãnh tín dụng, bên có tài sản bảo đảm và các bên liên quan (nếu có) thỏa thuận bằng văn bản để đảm bảo bên cho vay có quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh trong trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định.
Trước khi thực hiện cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, bên cho vay và Quỹ bảo lãnh tín dụng cần phải căn cứ các quy định nội bộ của bên cho vay và phương thức tổ chức điều hành hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định tại Điều 14 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, thực hiện ký thỏa thuận khung hoặc thỏa thuận từng lần về việc phối hợp cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng để thống nhất các nội dung trong quá trình thực hiện bảo lãnh, cho vay và là cơ sở để thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên khi phát sinh. Trường hợp các bên có nhu cầu sửa đổi, bổ sung thỏa thuận phối hợp đã ký kết thì việc sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện bằng văn bản và là một bộ phận không tách rời của văn bản thỏa thuận phối hợp.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không đáp ứng được yêu cầu về tài sản bảo đảm tiền vay. Quỹ Bảo lãnh tín dụng ra đời là cầu nối giữa ngân hàng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này được tiếp cận vốn vay kể cả khi doanh nghiệp không có tài sản để thế chấp. Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện tại Điều 16 Nghị định 34/2018/NĐ-CP, gồm:
– Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh.
– Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh.
– Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
– Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn.
So với quy định tại Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ), điều kiện để được bảo lãnh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được lược bỏ các điều kiện yêu cầu tài sản thế chấp và vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư. Quy định trong Quy chế như vậy rât ngặt nghèo đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi nếu như có tài sản thế chấp doanh nghiệp có thể trực tiếp tới ngân hàng vay vốn chứ không cần thiết phải tốn thêm chi phí bảo lãnh. Tiêu chuẩn bảo lãnh của các quỹ này gần giống như tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng hay các quỹ tín dụng khác, do đó vai trò của Quỹ bảo lãnh vẫn chưa được phát huy. Nghị định 34/2018/NĐ-CP ra đời đã bỏ điều kiện cần tài sản thế chấp và tâp trung và phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn.