Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là những quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động với các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát và các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Thực hiện quy định đối thoại tại nơi làm việc theo Khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động: “Người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ”, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định này có hiệu lực từ 01/01/2019 và thay thế Nghị định 60/2013/NĐ-CP.
Thực hiện Quy chế dân chủ, người quản lý công ty, quản lý đơn vị bước đầu đã hiểu được trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động trong doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở công ty, người lao động đã dần ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của bản thân mình. Người lao động có quyền đóng góp ý kiến, quyền quyết định một số vấn đề trong doanh nghiệp, hay kiểm tra, giám sát những hoạt động liên quan đến quyền, lợi ích của mình. Người lao động được tham gia ý kiến bằng văn bản, biểu quyết tại hội nghị người lao động, trong những cuộc họp triển khai sản xuất của phòng, ban, tổ, đội sản xuất hoặc thông qua tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên,… về những nội dung đã được người sử dụng alo động công bố công khai
Nghị định đã quy định các Nội dung người sử dụng lao động phải công khai tại Điều 4, Nội dung người lao động được tham gia ý kiến tại Điều 5, Nội dung người lao động được quyết định tại Điều 6, Nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát tại Điều 7.
Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải có sự tham gia ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và được phổ biến công khai đến người lao động trước khi thực hiện. Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động được miễn trừ tổ chức hội nghị người lao động theo quy định tại Điều 9 và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bằng văn bản theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
Quy chế dân chủ là một trong những quy chế cần xây dựng và công khai tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần biết và thực hiện Nếu vi phạm quy định này, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ phải chịu chế tài như sau:
“Điều 11. Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- a) Không thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định pháp luật;”
Việc thực hiện Quy chế dân chủ nơi làm việc trong các doanh nghiệp góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời là cơ sở quan trọng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bài viết này cung cấp quy định mới về Quy chế dân chủ để các doanh nghiệp được biết.