Quy định mới có hiệu lực từ tháng 8/2013

Trong tháng 8/2013 có nhiều quy định mới có hiệu lực pháp luật. Đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết hạn hoạt động được đăng ký lại; tăng mức cho vay HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng; DN bị giám sát tài chính đặc biệt trong 4 trường hợp…

Doanh nghiệp đăng ký lại

Theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật DN có hiệu lực từ 1/8/2013, DN có vốn đầu tư nước ngoài thành lập trước ngày 1/7/2006, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 170, có quyền thực hiện theo một trong hai cách.

Thứ nhất, đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Cụ thể, DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động quy định tại giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006, chưa thực hiện thủ tục giải thể DN và có đề nghị được tiếp tục hoạt động phải đăng ký lại trước ngày 1/2/2014 theo các điều kiện do Chính phủ quy định. Trong trường hợp này, việc đăng ký lại có hiệu lực kể từ ngày hết hạn hoạt động ghi trên giấy phép đầu tư.

Thứ hai, không đăng ký lại; trong trường hợp này, DN tổ chức quản lý, hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ DN. Đối với những nội dung không quy định tại giấy phép đầu tư, điều lệ DN, DN thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

4 trường hợp bị giám sát tài chính đặc biệt

Theo Nghị định về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước có hiệu lực từ 15/8/2013, có 4 trường hợp DN bị giám sát tài chính đặc biệt.

1- Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định.

2- Có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.

3- Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

4- Báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của DN.

Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 3 tháng/lần

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, trong đó quy định cụ thể 2 hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc là đối thoại tại nơi làm việc và hội nghị người lao động. Nghị định có hiệu lực từ 15/8/2013.

Trong đó, nội dung đối thoại như: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc…

Mỗi bên tham gia đối thoại quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại. Số lượng thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất là 3 người.

Bán lẻ thuốc lá phải đáp ứng 5 điều kiện

Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá có hiệu lực từ 15/8/2013, để được cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng 5 điều kiện:

1- Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá;

2- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;

3- Diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên;

4- Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các DN bán buôn sản phẩm thuốc lá;

5- Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3 đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên về hải quan

Đây là quy định tại Thông tư số 86/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/8/2013, hướng dẫn về việc áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với DN đủ điều kiện.

Theo đó, doanh nghiệp ưu tiên gồm ba loại:

+ Doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu, nhập khẩu tất cả các mặt hàng, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu (loại 1);

+ Doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và nhập khẩu hàng hóa là nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (loại 2);

+ Doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là Doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao được ưu tiên trong nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (loại 3).

Quy định mới về công nhận bằng cấp nước ngoài

Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp quy định người đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Về thủ tục công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ, nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ. Thời gian xem xét, xử lý không quá 30 ngày làm việc.

Tăng mức cho vay HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng

Theo Quyết định 1196/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, mức cho vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV.

So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV. Quyết định 1196/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2013, áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ; Thông tư 13/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; Thông tư số 87/2013/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán… cũng có hiệu lực thi hành trong tháng 8/2013.

Theo: Congly.com