Trong nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng hiện nay, tranh chấp thương mại là một điều không thể tránh khỏi. Để giải quyết các tranh chấp đó, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp như hòa giải, thương lượng, trọng tài, tòa án,… và ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc giải quyết các tranh chấp thương mại dưới hình thức trọng tài hết sức phổ biến. Trọng tài thương mại với những ưu điểm của mình là hình thức tối ưu để giải quyết các xung đột thương mại mà các bên không thể tự giải quyết được. Tại Việt Nam, các quy định pháp luật về trọng tài thương mại được xây dựng và hoàn thiện qua từng thời kỳ, có thể kể đến là Luật Trọng tài thương mại 2010.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Luật Trọng tài thương Mại 2010, một quyết định của Hội đồng trọng tài chỉ được coi là phán quyết trọng tài khi nó chứa đựng hai yếu tố: (1) quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp; và (2) quyết định này dẫn đến chấm dứt tố tụng trọng tài. Khi một quyết định của Hội đồng trọng tài chứa đủ cả hai yếu tố đó thì mới coi là phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài quy định tại điều này bao gồm quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên của Hội đồng trọng tài và phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài có một số đặc điểm sau:
– Phán quyết trọng tài là quyết định giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài của Hội đồng trọng tài.
– Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực ràng buộc đối với các bên. Như vậy, phán quyết của trọng tài có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị. Đây là đặc trưng của hoạt động giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại.
Thi hành phán quyết trọng tài là hành vi tự nguyện thực hiện phán quyết trọng tài của các bên tranh chấp hoặc hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc các bên tranh chấp phải thực hiện phán quyết theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Mục đích cuối cùng của hoạt động thi hành phán quyết trọng tài là bảo đảm trên thực tế các nội dung của phán quyết trọng tài phải được thi hành chứ không phải là ra các văn bản áp dụng pháp luật hoặc các quyết định có tính điều hành như trong hoạt động của cơ quan hành chính.
Khi nhận được phán quyết trọng tài, các bên thỏa thuận thống nhất thi hành theo phán quyết, tức là các bên tự mình, không cần có sự can thiệp của bất kỳ tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào, tự giác thi hành phán quyết đó. Trường hợp này, các bên tranh chấp nhận thấy rằng phán quyết là hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của các bên hoặc do bản thân họ muốn tiếp tục duy trì quan hệ làm ăn lâu dài, hoặc thấy rằng phản đối phán quyết là phi thực tế, tốn kém thời gian và tiền bạc,… nên họ tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Đây là việc mà Nhà nước khuyến khích các bên thực hiện. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các bên tranh chấp cũng tự nguyện thi hành. Lúc này nhà nước phải dùng các công cụ pháp luật để buộc phải thi hành phán quyết. Đối với các trường hợp không tự nguyện thực hiện, lúc này cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành. Sự cưỡng chế này không thể do bên được thi hành quyết định của Trọng tài hoặc bản thân Trọng tài thực hiện được, mà chỉ có thể do cơ quan nhà nước được trao quyền lực đó chính là Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.
Theo quy định tại Điều 66,có thể hiểu điều kiện để bên được thi hành phán quyết trọng tài yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là: bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo quy định của pháp luật. Quy định này không yêu cầu phán quyết trọng tài phải có sự công nhận của Tòa án mới được đem thi hành. Vì bản chất phi chính phủ nên các quyết định của Trọng tài thương mại đưa ra tự thân nó không có quyền lực để tự thực hiện. Do đó, khi có đã thừa nhận sự tồn tại của của Trọng tài thương mại thì nhà nước phải có những thiết chế để bảo đảm tính thực thi của các phán quyết trọng tài. Đối với phán quyết của trọng tài quy chế, trong trường hợp đã hết thời hạn thi hành mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, thì bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài mà không qua thủ tục công nhận của tòa án. Quy định về vấn đề này của pháp luật Việt Nam cho thấy rõ những ưu điểm trong việc đơn giản hóa thủ tục thi hành phán quyết trọng tài, đặt giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài tương đương giá trị pháp lý của bản án tòa án tuyên. Còn đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc thì phán quyết cần phải được đăng ký tại tòa án trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ thi hành. Bởi, sau khi ra phán quyết, Hội đồng trọng tài sẽ tự động giải tán, phán quyết trọng tài do các bên tranh chấp nắm giữ. Hơn nữa, trọng tài vụ việc có thể không phải là trọng tài viên của bất kỳ trung tâm trọng tài nào nên phán quyết trọng tài chỉ có chữ ký của các trọng tài viên. Vì vậy, cần đảm bảo tính hợp pháp của phán quyết trọng tài khi muốn có sự trợ giúp của cơ quan thi hành án.
Khác với phán quyết của Trọng tài trong nước, đối với phán quyết của Trọng tài nước ngoài muốn thi hành ở Việt Nam buộc phải thông qua thủ tục công nhận mới được Cơ quan thi hành án hỗ trợ cưỡng chế thi hành tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 427 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Khi giải quyết tại Trọng tài nước ngoài mà muốn thi hành tại Việt Nam thì cần một căn cứ để đảm bảo cho việc thi hành, và việc pháp luật quy định thủ tục công nhận đó là hợp lý.
Để giải quyết một vụ tranh chấp thương mại, trọng tài cần phải đưa ra một phán quyết là quyết định cuối cùng giải quyết các vấn đề được các bên thỏa thuận đệ trình. Phán quyết này có giá trị pháp lý buộc các bên phải thi hành. Trọng tài là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp dần được sử dụng phổ biến hiện nay.