Hợp tác quốc tế về đấu thầu trong những năm gần đây tiếp tục được tăng cường, nhất là trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Như vậy, khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, số lượng nhà thầu nước ngoài tham gia vào các gói thầu mua sắm chính phủ có thể gia tăng. Sự phát triển của các dự án bất động sản và các quy định mới của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư đã tạo điều kiện cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện đấu thầu và hoạt động tại Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu liên danh hoặc nhà thầu phụ. Tuy nhiên, khác với nhà thầu trong nước, theo quy định của pháp luật về xây dựng, mà cụ thể là theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP và Thông tư 14/2016/TT-BXD, nhà thầu nước ngoài phải được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu.
Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BXD ngày 05/10/2018 hướng dẫn một số nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2018. Theo đó, thực hiện bãi bỏ một số quy định đối với nhà thầu nước ngoài hoạt dộng ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 3 Thông tư đã bãi bỏ một số quy định về điều kiện được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng được quy định trong Thông tư 14/2016/TT-BXD. Tuy các quy định về điều kiện cấp phép được bãi bỏ trong thông tư. Thực tế việc bãi bỏ quy định trong thông tư đã thống nhất tinh thần về điều kiện cấp phép hoạt động xây dựng được quy định trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 100/2018/NĐ-CP, cụ thể:
“ Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư;
b) Có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng.
c) Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.
d) Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.”
Ngoài ra, Thông tư 08/2018/TT-BXD cũng sửa đổi thời gian gửi gửi báo cáo của nhà thầu nước ngoài:
– Định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm gửi báo cáo tới cơ quan cấp Giấy phép hoạt động xây dựng và Sở Xây dựng nơi có dự án, về tình hình thực hiện hợp đồng theo mẫu tại Phụ lục số 9 của Thông tư này.
– Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Sở Xây dựng báo cáo Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng về tình hình cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép hoạt động xây dựng và hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại địa phương theo mẫu tại Phụ lục số 10 của Thông tư này.