Trình Quốc hội cho phép 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng

Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Tại Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm 5 tháng so với thời điểm quyết định. Riêng khoản 10, Điều 255 và khoản 4, Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 01/01/2025

Bất_động_sản
                                                                                                                           Trình Quốc hội cho phép 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Về bố cục và nội dung của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 05 Điều, cụ thể như sau: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Điều 4: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Điều 5: Hiệu lực thi hành.

Liên quan đến tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế đánh giá, việc điều chỉnh hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cơ bản bảo đảm thống nhất hiệu lực của 04 luật này. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, báo cáo Quốc hội tính thống nhất về nội dung của 04 luật và giữa 04 luật với các luật khác trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Đối với nội dung chi tiết sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 255 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định như dự thảo Luật thực chất là cho phép tiếp tục thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư theo pháp luật có hiệu lực trước ngày 01/8/2024 về đầu tư, nhà ở, đấu thầu đối với các dự án thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) đến hết ngày 31/12/2024 nhằm tháo gỡ vướng mắc do tác động trực tiếp của việc sửa đổi hiệu lực của các luật. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể nội dung Luật Đất đai năm 2024, việc sửa đổi khoản 10 Điều 255 như dự thảo Luật dẫn đến nội dung khoản này không còn là quy định chuyển tiếp giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Đất đai năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018)

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh. Thứ nhất là tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 01/8/2024. Thứ hai là mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành, làm rõ tác động và giải pháp xử lý…

Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)

Là công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.