Ngày 26/05/2015, Chính Phủ ban hành Nghị Định số 60/2015/NĐ-CP (Nghị Định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính Phủ (Nghị Định 58) quy định chi tiết và hướng dẫn thi thành một số điều của Luật Chứng Khoán. Nghị định 60 đã dỡ bỏ hạn chế sở hữu nước ngoài áp dụng đối với chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên việc dỡ bỏ này có kèm theo điều kiện.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư nhiều hơn 49%, hoặc thậm chí 100%, vốn có quyền biểu quyết của công ty đại chúng trong trường hợp phạm vi đăng ký kinh doanh của công ty này bao gồm các ngành, nghề mà luật Việt Nam, hoặc cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, hoặc điều ước quốc tế khác trong trường hợp được áp dụng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư như vậy. Hơn nữa, khi một công ty đại chúng hoạt động ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, và ngành nghề đó cũng chưa được luật Việt Nam quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì không có hạn chế sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và khi luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài trong ngành nghề kinh doanh đó, thì vẫn áp dụng quy định về giới hạn 49% vốn có quyền biểu quyết trong công ty đại chúng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2015 và hiện vẫn được áp dụng.
Gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đăng tải toàn văn dự thảo Luật Chứng khoán và dự thảo tờ trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến. Dự kiến, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào quý 4/2019. Một trong những nội dung đáng chú ý, đó là việc mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty đại chúng đang nhận được đưa ra lấy ý kiến.
Theo Khoản 1 Điều 32 Dự thảo Luật Chứng khoán: “Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là không hạn chế, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài”. Như vậy, tỷ lệ sở hữu vốn có quyền biểu quyết hiện nay đã được mở rộng đến 100% kể cả những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Chính phủ không quy định tỷ lệ sở hữu. Dự thảo sửa đổi cho phép người nước ngoài được quyền nắm đa số cổ phần của các công ty hoạt động trong lĩnh vực được coi là không quan trọng đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty Việt Nam vẫn sẽ cần phải nhận được sự chấp thuận của cổ đông để nắm giữ 100% quyền sở hữu. Đây được coi là sửa đổi quan trọng đầu tiên của Luật chứng khoán kể từ năm 2010.
Việc loại bỏ giới hạn sở hữu 49% sẽ cho phép các công ty nước ngoài có thêm quyền quản lý. Đây là động lực để các nhà đầu tư gia nhập thị trường Việt Nam và mở rộng kinh doanh, là điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo điều kiện cho cách doanh nghiệp phá bỏ mức trần sở hữu vốn nướng ngoài, nhưng việc quyết định nâng mức sở hữu vẫn phụ thuộc vào các cổ đông của công ty. Cần lưu ý việc nâng mức sở hữu nước ngoài lên từ 51% trở lên sẽ khiến doanh nghiệp từ doanh nghiệp trong nước trở thành doanh nghiệp nước ngoài. Do doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài phải chịu một số giới hạn, ràng buộc nhất định trong hoạt động kinh doanh so với doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, khi có trên 51% vốn nước ngoài, doanh nghiệp muốn mua cổ phần trên thị trường chứng khoán sẽ phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán; với các công ty chứng khoán có nước ngoài nắm trên 51% thì sẽ phải chịu ràng buộc về tự doanh, thanh toán, vay và cho vay đầu tư chứng khoán theo hướng chặt hơn các công ty chứng khoánh nội địa; các doanh nghiệp có 51% vốn nước ngoài trở lên sẽ không được kinh doanh một số ngành nghề như phân phối lúa gạo, đường mía, thuốc lá, dầu thô, dược phẩm,… Do đó, khi tiến hành việc nâng mức sở hữu vốn nước ngoài, các doanh nghiệp cần phải thận trọng trước khi đưa ra quyết định.