Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP) gồm 11 nước: New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, Brunei, Chile, Malaysia, Peru, Australia và Việt Nam. Hiệp định được ký kết vào ngày 08/3/2018 theo giờ địa phương tại Santiago, Chile.
TPP ban đầu từng được kỳ vọng tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền đã rút Mỹ khỏi Hiệp định, các thành viên còn lại phải tái đàm phán để thành lập CPTPP. 11 nước tham gia CPTPP còn lại có tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển; giúp Việt Nam phát triển thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru – các nước chưa ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Một trong những cam kết trong CPTPP, đó là cam kết mạnh mẽ trong việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa. Theo đó, các nước tham gia CPTPP đồng ý xóa bỏ cho các nước thành viên tham gia gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng với Việt Nam được kéo dài từ 7-10 năm. Tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP có thể kể đến như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia,…
Bên cạnh đó, CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ,… mà còn quy định những vấn đề mới như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước,… Ngoài ra, Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng do Mỹ rút lui nên cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần nắm bắt các cam kết trong CPTPP để tìm được trong đó các xu hướng chính sách có lợi cho mình và chuẩn bị các kế hoạch xây dựng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín về thương hiệu và chất lượng sản phẩm để đón đầu cho CPTPP.