Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho người nước ngoài

Theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế và pháp luật đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, quá trình này gồm hai bước chính là (1) thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và (2) thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nói cách khác, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhằm chính thức và hợp pháp tiến hành các hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài trước hết phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngành, nghề trong dự án đầu tư phải không thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngành, nghề cấm kinh doanh theo pháp luật về đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư. Hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo năng lực tài chính của Nhà đầu tư do Nhà đầu tư tự lập và chịu trách nhiệm; Bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; Giải trình kinh tế – kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất, giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường; Dự thảo Điều lệ công ty có đầy đủ chữ ký của người đại diện theo pháp luật, của các thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền; Danh sách thành viên; Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư; Văn bản xác nhận khả năng tài chính. Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ở bước này, các điều kiện pháp lý không quá khắt khe và phức tạp như bước đầu song cũng đòi hỏi nhà đầu tư chuẩn bị nhiều giấy tờ, tài liệu. Tùy từng loại hình doanh nghiệp và nội dung đăng ký mà chủ thể đăng ký doanh nghiệp cần nộp các loại giấy tờ khác nhau phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ trực tiếp ở Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc nộp trực tuyến qua mạng điện tử. Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Có thể nhận xét rằng, quy trình hai bước tạo ra trở ngại cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam. Nó như một rào cản về mặt pháp lý khiến họ e ngại, dè chừng và cân nhắc khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, cơ quan lập pháp cần xem xét rút gọn trình tự và cắt giảm số lượng tài liệu cần phải nộp, đồng thời, nên tiến hành trực tuyến hóa các thủ tục để tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Đặc biệt, do tồn tại sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài nên nhà đầu tư nước ngoài phải nghiên cứu và tìm hiểu kỹ quy định của luật Việt Nam.

Click Below For English Version

English speaking lawyer in Vietnam?

Related Posts

Dịch vụ tư vấn thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp 

Thủ tục xin giấy phép đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như thế nào? 

Cấp đổi giấy phép đầu tư theo quy định mới

For Clients Speaking English

ANT Lawyers law firm is a reliable law firm in Vietnam with English speaking lawyers in Ho Chi Minh City, Hanoi, Danang.