Kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để đảm bảo thực thi những cam kết quốc tế nói chung và trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng.
Để đảm bảo môi trường pháp lý công bằng, đảm bảo lợi ích cho chủ thể quyền SHTT, pháp luật Việt Nam quy định ba cách thức mà chủ thể quyền có thể lựa chọn để bảo vệ quyền SHTT của mình như sau:
- Thương lượng, đàm phán: yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Sử dụng biện pháp hành chính: yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
- Khởi kiện: khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Biện pháp thương lượng, đàm phán thường được sử dụng trong bước đầu tiên để yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, biện pháp này khó đạt được kết quả cao vì phụ thuộc vào thiện chí và sự hợp tác của đối phương cũng như cơ sở pháp lý mà bạn có thể đưa ra để chứng minh, cảnh cáo hành vi vi phạm.
Đối với biện pháp khởi kiện tại toà án, do chi phí cao, thủ tục phức tạp và thời gian kéo dài nên biện pháp này cần phải được cân nhắc khi xử lý xâm pham.
Tại Việt Nam, giải quyết xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu được giải quyết thông qua các biện pháp hành chính, tức yêu cầu cơ quan quản lý hành chính xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan hành chính có thẩm quyền “xử lý xâm phạm quyền” sở hữu trí tuệ khá đa dạng, nhưng chủ yếu thông qua:
- Thanh tra Bộ khoa học và Công nghệ;
- Công an kinh tế của Bộ công an và
- Quản lý thị trường của Bộ Công thương.
Theo thực tế giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, thì chủ thể Quyền Sở hữu trí tuệ thường tiến hành các bước như sau:
- Gửi yêu cầu bằng văn bản đến xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ: Bước này là không bắt buộc mà dựa trên cơ sở để tiết kiệm chi phí cho Bên chủ thể quyền SHTT cũng như giải quyết sự việc trên cơ sở thiện chí và hợp tác, chủ thể quyền SHTT sẽ gửi văn bản đến bên xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và cam kết không lặp lại hành vi xâm phạm trong tương lai. Trên thực tế, nhiều chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đã đạt được mục đích ngay tại bước này.
- Yêu cầu Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm: trong bước này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chứng minh quyền chủ thể quyền sở hữu trí tuệ của mình và cung cấp các thông tin, bằng chứng về hành vi xâm phạm của bên xâm phạm.
Việc áp dụng các biện xử lý hành chính được tiến hành nhanh chóng nên được sử dụng nhiều hơn so với biện pháp khởi kiện tại toà án. Sau khi đã yêu cầu cơ quan hành chính xử phạt chủ thể vi phạm, chủ thể quyền có thể tiếp tục khởi kiện tại toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc kết hợp vận dụng biện pháp hành chính và khởi kiện tại toàn án sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn cho chủ thể quyền SHTT.