Bước tiến trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ

Cổ đông nhỏ chiếm đa số trong bất cứ thị trường nào, kể cả thị trường chứng khoán tập trung cũng như thị trường phi tập trung… Với chút tiền nhỏ nhoi, họ tham gia đầu tư vào các công ty cổ phần với ước mơ làm giàu. Nhưng trước khi đạt được ước mơ đó, họ phải đối diện ngay với vô vàn bất lợi từ nhiều phía.

Ít vốn, họ có ít quyền và tiếng nói ít trọng lượng trong hoạt động điều hành công ty. Họ bị chèn ép và buộc phải cuốn theo những kế hoạch kinh doanh đã được sắp đặt trước của các cổ đông lớn.

Nhà đầu tư nhỏ tiếp đến là nạn nhân của những quản trị viên – những người có cơ hội để vun vén cho lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến hoạt động của công ty. Nhà đầu tư nhỏ vì thế luôn ở thế yếu, họ là những đối tượng được pháp luật doanh nghiệp ưu tiên bảo vệ.

Luật Doanh nghiệp cũng quy định cơ chế bảo vệ các cổ đông nhỏ như trên, nhưng đáng ngạc nhiên là Luật Doanh nghiệp lại dường như quên trao cho cổ đông công ty cổ phần quyền khởi kiện các cán bộ quản lý.

Trong các quyền của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, không hề có quy định nào về quyền khởi kiện của cổ đông. Có quan điểm cho rằng Luật Doanh nghiệp dù không minh thị quyền khởi kiện cho cổ đông, nhưng đã quy định nghĩa vụ tận tâm, cẩn trọng, trung thực và trung thành của các cán bộ quản lý công ty, do đó, khi cán bộ quản lý có vi phạm, cổ đông vẫn đương nhiên có quyền khởi kiện họ tại tòa án.

Dù sao, việc không nói rõ quyền khởi kiện các cán bộ quản lý của cổ đông (trong khi cho phép thành viên công ty TNHH khởi cán bộ quản lý!) vẫn là một thiếu sót của Luật Doanh nghiệp.

Trong bối cảnh ban kiểm soát hoạt động yếu kém như hiện nay và cổ đông không được quyền khởi kiện các cán bộ quản lý, quyền lực của họ hầu như không bị kiềm tỏa, dẫn đến tình trạng chung là coi thường quyền lợi của công ty và cổ đông mà chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân.

Nghị định 102 – một bước tiến trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ…

Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 có thể coi là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ các cổ đông nhỏ khi đã dành cho họ quyền khởi kiện các cán bộ quản lý khi có vi phạm trong điều hành công ty.

Nghị định 102 thể hiện sự quan tâm của nhà làm luật đến việc bảo vệ cổ đông nhỏ bằng việc bổ sung một cơ chế bảo vệ mà Luật Doanh nghiệp đã quên. Nó khẳng định rõ ràng cơ sở pháp lý để cổ đông khởi kiện các cán bộ quản lý vì lợi ích của mình hoặc lợi ích của công ty. Nghị định này còn răn đe các cán bộ quản lý và buộc họ phải ưu tiên cho lợi ích của công ty cũng như những hậu quả khi họ vi phạm các nghĩa vụ của mình.

… Nhưng vẫn còn đó sự nửa vời

Chỉ sau 15 ngày nếu ban kiểm soát không trả lời bằng văn bản hoặc không tiến hành khởi kiện hoặc công ty không có ban kiểm soát thì cổ đông mới được quyền trực tiếp khởi kiện.Nghị định 102 chỉ cho phép cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong sáu tháng mới có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện (trong khi thành viên công ty TNHH không bị giới hạn tỷ lệ vốn góp tối thiểu này).

Trước hết, nói về thời hạn 15 ngày thông báo cho ban kiểm soát, đây có thể là quy định lợi bất cập hại. Trong 15 ngày này, các thông tin mà cổ đông cung cấp cho ban kiểm soát có thể bị rò rỉ cho các cán bộ quản lý liên quan. 15 ngày đó chẳng khác nào thời hạn để “đánh động” cho cán bộ quản lý để tạo điều kiện cho họ xóa bỏ chứng cứ, gây khó khăn cho việc khởi kiện của cổ đông. Theo chúng tôi, nên dành cho cổ đông quyền kiện thẳng ra tòa án mà không cần thông qua ban kiểm soát.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc hạn chế đối tượng khởi kiện – tức là cổ đông nắm giữ dưới 1% hoặc nắm 1% nhưng không đủ sáu tháng liên tục sẽ không có quyền này. Có lẽ đây là sự nửa vời của Nghị định 102.

Hơn nữa, các cổ đông nhỏ – đối tượng chiếm đa số trong doanh nghiệp – mới là đối tượng cần được bảo vệ. Cơ sở nào để Nghị định 102 lại tước quyền của cổ đông nắm dưới 1% cổ phần. Tại sao lại có sự phân biệt đối xử vô lý giữa các cổ đông như vậy?

Chúng tôi cho rằng, để xem xét vấn đề này, cần xuất phát từ nghĩa vụ của các cán bộ quản lý. Nghĩa vụ tận tâm, cẩn trọng buộc quản trị viên phải điều hành doanh nghiệp được giao một cách tận tâm và cẩn thận như điều hành chính doanh nghiệp của mình. Nghĩa vụ trung thực và trung thành buộc quản trị viên phải công khai lợi ích liên quan đến doanh nghiệp và tách bạch các lợi ích cá nhân và lợi ích của doanh nghiệp.

Hơn nữa, khi theo đuổi một vụ kiện, cổ đông phải tự chịu các chi phí liên quan như thù lao luật sư, án phí…Điều này là rào cản kinh tế cho các cổ đông tâm huyết theo đuổi vụ kiện. Nên chăng, cần có quy định buộc bên thua kiện – tức là các cán bộ quản lý có sai phạm phải hoàn trả lại các chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra để theo đuổi vụ kiện?

Điều này là hợp lý vì nếu khởi kiện không có cơ sở, cổ đông đã bị tòa án bác yêu cầu, còn khi tòa án chấp nhận yêu cầu của họ thì bản án của tòa án minh chứng rõ ràng vi phạm của cán bộ quản lý và họ phải chịu chi phí cho các vi phạm này. Nghị định 102 cũng không đề cập đến vấn đề này

ANT Lawyers là công ty luật cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý tại Việt Nam và hỗ trợ khách hàng Việt Nam cho các vụ việc tại các nước trong mạng lưới liên kết hơn 150 nước.

Hãy liên hệ công ty luật ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com hoặc gọi số Hotline để được tư vấn.