Sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt nam liên quan đến hai vụ việc là áp dụng biện pháp tự vệ và biện pháp chống bán phá giá có mã số vụ việc lần lượt là SG05 và AD04.
Về việc áp dụng biện pháp tự vệ có mã số vụ việc SG05, ngày 31/05/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1931/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước/ vùng lãnh thổ khác nhau.
Ngày 11/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành 03 Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và biện pháp tự vệ với tổng khối lượng là 16.294,9 tấn.
Căn cứ theo quy định của Thông tư 06/2018/TT-BCT, ngày 07 tháng 10 năm 2019, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đã đăng thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu chất lượng cao năm 2020.
Ngày 30/12/2019, Bộ Công Thương đã ban hành 18 Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ và biện pháp CBPG với tổng lượng cấp miễn trừ cho năm 2020 là 82.019,7 tấn.
Về việc áp dụng chống bán phá giá có mã số vụ việc AD04, vào ngày 02/8/2018, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn hoặc quét véc-ni hoặc phủ plastic hoặc phủ loại khác có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân quốc.
Ngày 15/10/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3877/ QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép nêu trên.
Ngày 18/6/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1711/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 3,45% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,48% đến 19,25% (mức thuế cụ thể xem tại Quyết định gửi kèm).
Sau gần 8 tháng điều tra sơ bộ tuân thủ đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm thép phủ màu.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đang được áp dụng nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, từ 3,45% đến 34,27%, tiếp tục gây ra đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép phủ màu trong nước.
Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Khi quyết định áp dụng biện pháp CBPG tạm thời, Bộ Công Thương đã xem xét, cân nhắc ý kiến của các bên liên quan trong vụ việc và các cơ quan nhà nước có liên quan cũng như dựa trên thông lệ áp dụng của nhiều nước thành viên khác của WTO. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch của biện pháp tự vệ, sẽ chỉ áp dụng mức thuế CBPG tạm thời. Đối với hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch, sẽ so sánh giữa mức thuế CBPG tạm thời với thuế ngoài hạn ngạch tự vệ và áp dụng mức thuế nào cao hơn. Việc áp dụng này nhằm loại bỏ tình trạng đánh trùng thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm thép phủ màu đặc biệt mà hiện tại ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất được như các sản phẩm PCM, VCM dùng để sản xuất các mặt hàng điện lạnh và điện tử gia dụng, các sản phẩm PVDF dùng cho các nhà máy nhiệt điện, và một số sản phẩm đặc biệt khác… được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp CBPG tạm thời. Theo quy định, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng không bị áp dụng biện pháp CBPG.
Mức thuế CBPG tạm thời dao động từ 3,45% đến 34,27% áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã được đưa ra theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, pháp luật Việt Nam và phản ánh đúng hành vi về giá bán của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với các sản phẩm đúng quy cách, chất lượng và giá bán sát với quy luật thị trường được xác định biên độ bán phá giá thấp. Trong khi đó, hàng hóa trôi nổi chất lượng thấp bán phá giá sẽ bị ngăn chặn với mức thuế CBPG tạm thời cao hơn.
Ngày 11/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành 03 Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG và biện pháp tự vệ với tổng khối lượng là 16.294,9 tấn.
Ngày 24/10/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3198/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế CBPG đối với tôn màu có xuất xứ từ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân quốc.
Ngày 07/11/2019, Cục PVTM tiếp tục đăng thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG đối với tôn màu chất lượng cao năm 2020.
Ngày 30/12/2019, Bộ Công Thương đã ban hành 18 Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ và biện pháp CBPG với tổng lượng cấp miễn trừ cho năm 2020 là 82.019,7 tấn.
Ngày 10/03/2020, Bộ Công Thương đăng thông báo tiếp nhận và hướng dẫn nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và biện pháp tự vệ. Doanh nghiệp gửi Hồ sơ đề nghị miễn trừ tới Cổng dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ: https://dichvucong.moit.gov.vn hoặc tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17h ngày 15 tháng 4 năm 2020. Lưu ý các doanh nghiệp đã được cấp miễn trừ năm 2020 không nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ 2020 theo Thông báo này. Trong trường hợp khối lượng miễn trừ sắp hết, các doanh nghiệp trên nộp Hồ sơ bổ sung miễn trừ theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư 37/2019/TT-BCT.