Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Đối với nhà đầu tư muốn tiếp cận vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức này thì cần tiến hành đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Việc không thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tham gia vào thị trường Việt Nam. Với hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài không phải thành lập tổ chức kinh tế mà sẽ trở thành thành viên, cổ đông của một tổ chức kinh tế khi thực hiện mua cổ phần, mua vốn góp hoặc góp vốn vào một tổ chức kinh tế đang hoạt động. Ngoài ra, hình thức đầu tư này giúp doanh nghiệp nước ngoài có thể tiếp cận với một số ngành nghề đòi hỏi điều kiện nghiêm ngặt.

Với hình thức đầu tư này, việc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp  chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.

Để tiến hành thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư cần nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Thành phần hồ sơ bao gồm:

–           Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Theo mẫu);

–           Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

Sau khi nộp hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thông báo cho nhà đầu tư để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.