Nếu người lao động (NLĐ) đóng góp trong 15 năm và sống sau khi nghỉ hưu 15 năm, số tiền được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung là 5,56 triệu đồng/tháng (trong 15 năm).
Từ ngày 1/6/2013, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thí điểm bảo hiểm Hưu trí bổ sung (BHHTBS) với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong 3-5 năm. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau thời gian thí điểm, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và mở rộng phạm vi áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp khác.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc áp dụng chương trình này là cần thiết, bởi những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên, nhưng do điều kiện làm việc độc hại nên khi đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe thường suy giảm và hay ốm đau. Do vậy, chỉ với chế độ hưu trí cơ bản sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Theo một lãnh đạo vụ bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), BHHTBS chính là nguồn để bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, giúp họ có cuộc sống an nhàn lúc tuổi già. Đây là chương trình BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính.
Về quyền lợi, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng một khoản lương hàng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời (bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được nhà nước chi trả). Số tiền NLĐ đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân của họ tại ngân hàng (do chủ doanh nghiệp lựa chọn) và sẽ tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu, với mức đóng từ 5-10% mức thu nhập thực tế hằng tháng nhưng không quá 10 triệu đồng.
Cụ thể, NLĐ sẽ được chuyển quyền lợi sang doanh nghiệp mới trong các trường hợp: Doanh nghiệp yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động vì dư thừa, thay đổi cơ cấu tổ chức. Đối với trường hợp bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn sẽ được hưởng chế độ hằng tháng như khi nghỉ hưu. Theo đó, mức hưởng được xác định: Khi đến tuổi nghỉ hưu, ngoài lương hưu cơ bản, NLĐ hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung với mức hưởng hằng tháng được xác định bằng giá trị tồn tích trong tài khoản của mình chia cho 15 hoặc 20 năm.
Theo Tiền phong